QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chủ tịch Quốc hội: Cần làm rõ vai trò của Tập đoàn Dầu khí trong Luật Dầu khí sửa đổi

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần quy định chặt chẽ, đầy đủ, minh bạch địa vị pháp lý, vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để tránh xung đột lợi ích.

Luật Dầu khí sửa đổi có 6 nhóm chính sách mới

Chiều 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi.

Ngoài ra, một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác. Ông Diên nhấn mạnh: “Việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí”.

Chủ tịch Quốc hội: Cần làm rõ vai trò của Tập đoàn Dầu khí trong Luật Dầu khí sửa đổi - Ảnh 1
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều, giải quyết 6 nhóm chính sách.

Theo ông Diên, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 Chương 56 điều. Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15).

Đề cập đến 6 nhóm chính sách mới, ông Diên cho hay: Thứ nhất là chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí. Thứ hai, chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

Chính sách thứ ba theo ông Diên là quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý. Thứ tư là chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí.

“Thứ năm là chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí. Thứ sáu là chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư”- ông Diên cho hay.

Chưa rõ vai trò của Tập đoàn Dầu khí quốc gia

Phát biểu ý kiến tại phiên họp về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mối quan hệ giữa Luật Dầu khí với các luật khác liên quan là một chủ đề lớn, mặc dù gọi là Luật Dầu Khí nhưng phạm vi tập trung chủ yếu vào “điều tra cơ bản hoạt động dầu khí” cho nên cơ quan soạn thảo có thể xem xét dùng nội dung nêu trên để đặt tên cho Luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quy định về dự án, thăm dò dầu khí trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, trên cơ sở đánh giá đầy đủ mô hình quản lý hoạt động dầu khí, kinh nghiệm quốc tế thường giao cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia những nhiệm vụ gì, để có nội dung quy định thật rõ ràng về vị trí pháp lý, vai trò của Tập đoàn Dầu khí quốc gia, tránh gây ra các xung đột giữa chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và tư cách nhà thầu.

Chủ tịch Quốc hội: Cần làm rõ vai trò của Tập đoàn Dầu khí trong Luật Dầu khí sửa đổi - Ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề về “chia cắt tập đoàn, tổng công ty”, lấy thí dụ trên thực tế các mỏ than đang giao cho Tập đoàn Than Khoáng sản, vậy khi Tập đoàn Dầu khí muốn thăm dò khí than sẽ thực hiện như thế nào, đây là vấn đề khi xây dựng Luật phải nghiên cứu để giải quyết ổn thỏa. Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung của dự thảo Luật chưa thể hiện được tính “phân cấp, phân quyền”, vì quy định nhiều nội dung thuộc quyền của Thủ tướng Chính phủ, cần nghiên cứu kỹ lại vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, quá trình soạn thảo Luật đừng sợ viết Luật dài mà hãy viết thật kỹ lưỡng để Luật không bị sơ sài, mờ nhạt, không rõ ràng.

Đưa ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, ngoài tiêu chí “minh bạch, rõ ràng” trong quan điểm xây dựng dự thảo luật cần thêm tiêu chí “chặt chẽ” và “tăng cường kiểm soát” để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động dầu khí.

Ngoài ra, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản (Điều 1 và Điều 2 dự thảo Luật), một số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn hoạt động dầu khí thượng nguồn. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm các khâu từ thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn để tạo cơ sở xây dựng chuỗi giá trị dầu khí và bảo đảm quản lý toàn diện hoạt động dầu khí.

Theo Hà Lan/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chu-tich-quoc-hoi-can-lam-ro-vai-tro-cua-tap-doan-dau-khi-trong-luat-dau-khi-sua-doi-66113.html