QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chủ tịch Vietcombank: “Tăng vốn ngân hàng là bức thiết”

Mặc dù Vietcombank vừa nâng vốn điều lệ lên 37.089 tỷ đồng nhờ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông ngoại, song nhu cầu tăng vốn vẫn chưa dừng lại.

Vietcombank đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tích luỹ, thặng dư vốn

Trong các kỳ họp ĐHCĐ thường niên và chia sẻ với báo chí, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đều đề cập tới kế hoạch tăng vốn là rất cấp bách đối với sự phát triển chung.

Tại hội nghị ngành ngân hàng 11/4, ông Thành lại một lần nữa nhấn mạnh “cơn khát vốn” của hệ thống ngân hàng, trong đó, Vietcombank cần tiếp tục tăng vốn để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động, tăng trưởng, chỉ tiêu an toàn tài chính…

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước trở thành vấn đề nhức nhối, hết sức cấp thiết”, ông Thành nói và cho biết, các ngân hàng thương mại nhà nước đều đang rất thiếu vốn.

Đối với Vietcombank, năm 2018 nhà băng này đã phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 6.180 tỷ đồng giúp nâng vốn lên mức 37.089 tỷ đồng. Nhưng so với kế hoạch đã đề ra thì nhu cầu tăng vốn của Vietcombank vẫn còn khá lớn. Từ ĐHCĐ thường niên năm 2016 ngân hàng đã mục tiêu tăng vốn lên 40.000 tỷ đồng, song không thực hiện được.

Đến nay, ngân hàng muốn tiếp tục đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 57.201 tỷ đồng vào năm 2020 (tăng trưởng bình quân 10,5% mỗi năm). Tổng tài sản đến năm 2020 dự kiến vượt 1,3 triệu tỷ đồng; huy động vốn vượt 1 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng 870,6 nghìn tỷ đồng…

Thực tế đến cuối năm 2018, vốn điều lệ ở mức 35.978 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 1,072 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng ở mức 640.314 tỷ đồng.

Trong khi chiến lược của Vietcombank đến năm 2025, định hướng năm 2030 sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính là dịch vụ, bán lẻ, đầu tư kinh doanh vốn, gắn với chuyển đổi mạnh mẽ sang ngân hàng số.

Chủ tịch Vietcombank đã kiến nghị Chính phủ cho phép ngân hàng thương mại Nhà nước được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, hay tăng vốn từ nguồn thặng dư và lợi nhuận tích lũy. Được biết, đề xuất này đã được Vietcombank đưa ra tại 3 kỳ họp ĐHCĐ gần đây thay vì chia cổ tức bằng tiền (mỗi năm chia tỷ lệ 8-10%). Song trước sức ép thu đòi cổ tức tiền mặt và nộp về ngân sách của Bộ Tài chính, Vietcombank vẫn phải chia cổ tức tiền mặt.

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên sẽ diễn ra ngày 26/4 tới, Vietcombank có nội dung bàn về phương án tăng vốn điều lệ năm 2019, song nội dung chi tiết hiện chưa được công bố.

Trên báo cáo tài chính, nguồn tăng vốn của “ông lớn” ngân hàng này đang rất dư dả với 20.2029 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 5.056 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần… Do đó, ngân hàng có nguồn để tiếp tục phát hành riêng lẻ, hay lựa chọn cách chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Cũng theo kiến nghị của Vietcombank, tỷ lệ sở hữu nước ngoại tại các ngân hàng nên được tăng lên để thu hút nhà đầu tư. Hơn nữa, đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng một phần Quỹ hỗ trợ sắp xếp DNNN để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, đáp ứng vốn an toàn tối thiểu theo Basel II.

Theo Mai Lan/Kinh tế môi trường