QC 1
Thứ 2, ngày 04/11/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán dù lỡ hẹn nâng hạng vẫn còn đó điểm sáng tiếp sức sóng tăng

Dù thị trường chứng khoán Việt Nam lỡ hẹn nâng hạng, nhưng nhiều yếu tố vĩ mô tích cực, cùng với các biện pháp hỗ trợ, vẫn tạo điều kiện cho một đợt sóng tăng mạnh trong thời gian tới.

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam lại lỡ hẹn với nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá mới nhất của FTSE Russell, nhiều chuyên gia cho rằng tâm lý thất vọng chỉ là tạm thời và khó có thể khiến VN-Index điều chỉnh mạnh. Các dự báo trước đó cũng đã nhận định rằng, còn quá sớm để kỳ vọng vào việc nâng hạng ngay lập tức, bởi các công ty chứng khoán cần thêm thời gian để xây dựng quy trình và triển khai sản phẩm, trước khi FTSE tiến hành khảo sát lấy ý kiến các bên tham gia thị trường.

Chứng khoán ACBS, Chứng khoán ACB và Chứng khoán Maybank đều kỳ vọng FTSE sẽ đưa Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá tháng 3/2025, trong khi Chứng khoán SSI dự báo thời điểm này sẽ là tháng 9/2025.

Về mặt kinh tế vĩ mô, nhiều yếu tố tích cực đang hỗ trợ thị trường. Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Chứng khoán VPBank, cho biết dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy GDP quý III/2024 của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, vượt kỳ vọng của nhiều tổ chức tài chính dù chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quý gần đây và củng cố niềm tin vào sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024, dự kiến sẽ sôi động trong hai tuần cuối tháng 10, là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc hoàn thiện các quy định để tháo gỡ các vướng mắc hiện tại nhằm thúc đẩy nâng hạng thị trường dự kiến sẽ được cụ thể hóa trong dự án Luật Chứng khoán sửa đổi. Dự thảo luật này được đánh giá sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới, nâng cao triển vọng nâng hạng thị trường vào năm 2025.

Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng mang lại nhiều dư địa để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9/2024, đánh dấu lần đầu tiên cắt giảm kể từ năm 2020.

Đồng thời, Fed cũng dự báo sẽ cắt giảm thêm 150 điểm cơ bản trong 15 tháng tới, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho thị trường chứng khoán trung và dài hạn. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại quay trở lại các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc cũng đã công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới, với mục tiêu vực dậy đà tăng trưởng. Nếu thành công, các biện pháp này sẽ tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa đến Việt Nam, nhờ mối quan hệ giao thương chặt chẽ giữa hai nền kinh tế.

Nhìn lại lịch sử, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua giai đoạn đi ngang từ 2013 đến 2015 trước khi bật tăng mạnh vào 2016-2017, nhờ vào các gói hỗ trợ kinh tế và chính sách tiền tệ nới lỏng. Đợt tăng trưởng mạnh thứ hai sau đại dịch Covid-19 cũng bắt nguồn từ các biện pháp giảm lãi suất và gói hỗ trợ tài chính.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào một đợt sóng tăng mới của thị trường, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất chính sách và dòng vốn hỗ trợ được bơm vào thị trường chứng khoán một cách mạnh mẽ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, giúp người lao động tiếp cận các chương trình mua nhà. Gói hỗ trợ này có thể xuất hiện vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau và được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn cho thị trường.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, khi kết hợp giữa chính sách tiền tệ nới lỏng và các biện pháp hỗ trợ khác, đây sẽ là điều kiện cần và đủ để thúc đẩy một đợt sóng tăng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Linh Đan/Kinh tế Chứng khoán