QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn

Việc tăng lãi suất điều hành sẽ có tác động cùng chiều với lãi suất tiền gửi và sau đó là lãi suất cho vay. Vì thế, thị trường chứng khoán cũng sẽ chịu sự tác động, ít nhất là trong ngắn và trung hạn. Mặc dù vậy, theo chuyên gia chứng khoán, tương quan giữa lãi suất tăng và thị trường chứng khoán sẽ bị phá vỡ bởi sự tăng trưởng lợi nhuận, bởi vì xét cho cùng, luận điểm đầu tư chủ yếu sẽ dựa trên tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung.

Đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong môi trường lãi suất tăng

Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước  (NHNN) ban hành đã các quyết định điều chỉnh loạt lãi suất  điều hành có hiệu lực từ ngày 23/9/2022. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu tăng thêm 1 điểm % lên mức lần lượt là 5%/năm và 3,5%/năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân nhà Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn

Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm % lên 5%/năm.

Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.

Đáng chú ý, đây là lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong hai năm trở lại đây. Động thái này diễn ra ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất điều hành thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp ngày 20-21/9.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương Mỹ còn cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức kỷ lục 40 năm.

Tại phiên họp Chính phủ sáng 22/9, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Thách thức lớn nhất là kiểm soát lạm phát, và NHNN sẽ theo sát mọi diễn biến để linh hoạt giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô.

Về mặt lý thuyết, việc tăng lãi suất điều hành sẽ có tác động cùng chiều với lãi suất tiền gửi và sau đó là lãi suất cho vay. Vì thế, thị trường chứng khoán  cũng sẽ chịu sự tác động, ít nhất là trong ngắn và trung hạn, bởi dòng tiền có thể sẽ bị chia lửa cho kênh tiền gửi tiết kiệm và doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn khi tăng chi phí vốn đầu vào.

Một số ý kiến cho rằng, thông thường, việc tăng lãi suất sẽ có tác động rất nhanh tới thị trường chứng khoán. Thực tế, phiên 23/9, thị trường chứng khoán trong nước cũng đã có biến động theo chiều hướng giảm sau khi lãi suất điều hành chính thức tăng, mặc dù các tin xấu trước ngày 22/9 cơ bản đã được hấp thụ vào giá.

Ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, việc tăng lãi suất của NHNN sẽ tạo áp lực lên các thị trường tài sản, trong đó có thị trường chứng khoán. “Về mặt lý thuyết khi mặt bằng lãi suất gia tăng lợi suất yêu cầu cho các khoản đầu tư sẽ phải tăng qua đó làm giảm mặt bằng định giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng cũng làm gia tăng độ hấp dẫn của kênh huy động này và khiến dòng dân cư chuyển dịch một phần vào kênh này

Còn theo bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDirect, theo nguyên lý chung thì khi lãi suất tăng thường gây ra tâm lý cẩn trọng và phòng thủ trên thị trường chứng khoán. Khi mặt bằng lãi suất tăng lên một mức độ nào đó, thì kênh đầu tư chứng khoán sẽ giảm đi sự hấp dẫn.

“Để đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương quan với môi trường lãi suất tăng, chúng tôi sử dụng phương pháp định giá lợi suất thu nhập thị trường (E/P). Nếu như các nhà đầu tư thường quen thuộc với chỉ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) thì lợi suất thu nhập thị trường E/P là nghịch đảo của chỉ số trên, nó phản ánh lợi suất nhà đầu tư có thể nhận được nếu dựa vào tăng trưởng lợi nhuận của thị trường”, bà Khánh Hiền phân tích.

Theo ước tính của chúng tôi, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 23% trong năm 2022. Điều này có nghĩa là lợi suất thu nhập thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức khoảng gần 10%, cộng thêm cả lợi suất từ cổ tức.

Nếu so với lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay vào khoảng 7,5% – 8%; thậm chí một vài ngân hàng đang đẩy lên 8,5%, thì có vẻ như là thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ kém hấp dẫn hơn (do xét thêm yếu tố rủi ro của kênh đầu tư này).

Kênh chứng khoán tạo ra dư địa hấp dẫn hơn

Mặc dù vậy, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, tương quan giữa lãi suất tăng và thị trường chứng khoán sẽ bị phá vỡ bởi sự tăng trưởng lợi nhuận, bởi vì xét cho cùng, luận điểm đầu tư chủ yếu sẽ dựa trên tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung. “Chẳng hạn như nhìn sang năm 2023, chúng tôi ước tính các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đạt mức tăng trưởng khoảng 17% – 18%, bao gồm cả yếu tố chi phí lãi vay tăng. Chỉ số E/P thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 sẽ tăng lên mức 12%, từ đó giúp kênh chứng khoán tạo ra dư địa hấp dẫn hơn so với tiền gửi tiết kiệm” – bà Khánh Hiền nói.

Ông Hoàng Công Tuấn cũng cho hay: “Chúng tôi vẫn đánh giá kênh đầu tư chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại nhờ hai yếu tố chính.

Ông Hoàng Công Tuấn

Thứ nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III và cả năm 2022 rất khả quan sẽ phản ánh vào mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong 2 quý cuối năm. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định do đó các yếu tố bất lợi không tác động quá lợi đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Thứ hai, mức giá định giá của cổ phiếu trên thị trường đã ở mức rẻ với mức P/E VN-Index  là gần 13 lần, thấp hơn đáng kể mức trung bình dài hạn từ 2015 tới nay là 15 lần.

Ở một góc nhìn khác, ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Phân tích Thị trường Công ty chứng khoán BIDV – BSC cũng đánh giá thị trường rẻ so với quá khứ, nhưng chưa chắc đã rẻ so với tương lai. Bởi chuyên gia cho rằng, chứng khoán chỉ rẻ thực sự khi vĩ mô tốt, lãi suất duy trì ổn định.

Trong trường hợp lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp, định giá cổ phiếu cũng kém hấp dẫn hơn. Do đó, định giá hiện tại rẻ đối với quá khứ, nhưng để đầu tư cần nhìn về tương lai.

Còn theo Dragon Capital, trong môi trường lãi suất tăng, lợi nhuận kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán sẽ khó vượt trội. Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều biến động phụ thuộc vào diễn biến trên thế giới.

Tuy nhiên, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài đối với Việt Nam có mức độ thấp hơn nhiều so với các nước mới nổi và không mang tính hệ thống. Việt Nam cũng không thuộc nhóm quốc gia bị tác động bởi hậu quả của những chính sách không đúng đắn và Dragon Capital tin rằng thị trường sẽ giữ vững mốc 1.200 điểm.

Về mặt định giá, ước tính P/E của VN-Index sẽ về mức 12.1x sau khi phản ánh kết quả kinh doanh quý 3, so với mức đáy Covid tháng 3/2020 là 10.4x. Mức định giá này thấp hơn 2 lần độ lệch chuẩn của hệ số P/E trong 5 năm qua.

Mặc dù tăng trưởng có khả năng giảm tốc vào năm sau, tuy nhiên sẽ chỉ là chậm lại không phải tăng trưởng âm. Thị trường Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định.

Theo Hồng Quân/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-la-mot-kenh-dau-tu-hap-dan-150509.html