QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán Mỹ giảm 6 phiên liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/10), đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, khi nhà đầu tư chờ đợi báo cáo tiêu dùng quan trọng sẽ mang đến thông tin về tốc độ nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai.

Cụ thể, kết thúc phiên 12/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 28,34 điểm, tương đương giảm 0,1%, còn 29.210,85 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,33%, còn 3.577,03 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,09%, còn 10.417,1 điểm. Đây là phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp của S&P 500, Dow Jones cũng đã đi xuống trong 5/6 phiên gần đây.

Trong phiên, các chỉ số cổ phiếu đi lên và lợi suất trái phiếu giảm sau khi biên bản cuộc họp ngày 20 – 21/9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố. Biên bản cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ dự định tiếp tục nâng lãi suất và giữ cho lãi suất ở mức cao cho tới khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.

Có một nhận định trong biên bản trên dẫn tới lạc quan rằng, Fed có thể giãn tiến độ tăng lãi suất, thậm chí sẽ đảo ngược việc tăng lãi suất nếu mức độ biến động trên thị trường tài chính gia tăng. “Một số thành viên dự họp nhấn mạnh rằng, nhất là trong môi trường kinh tế và tài chính toàn cầu có mức độ bấp bênh cao như hiện nay, điều quan trọng là cẩn căn chỉnh tốc độ thắt chặt chính sách của thời gian tới cho phù hợp với mục đích giảm thiểu rủi ro của những hiệu ứng tiêu cực đối với triển vọng kinh tế”, biên bản có đoạn.

Các chỉ số cổ phiếu dao động giữa xanh và đỏ sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 9 cho thấy mức tăng lớn hơn dự báo. Chỉ số này tăng 0,4% trong tháng 9, so với mức dự báo tăng 0,2% mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

PPI là một trong những thước đo lạm phát mà nhà đầu tư chú ý theo dõi cùng với các thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu lạm phát cao dai dẳng như thể hiện qua số liệu PPI tháng 9, Ngân hàng trung ương Mỹ nhiều khả năng sẽ kiên trì theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ để kìm hãm giá cả. Nói cách khác, lãi suất có thể sẽ tăng mạnh và duy trì ở mức cao trong thời gian dài, gây áp lực tiêu cực với cổ phiếu.

Sau báo cáo PPI, Phố Wall chờ một dữ liệu lạm phát thậm chí còn quan trọng hơn, và đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày thứ Năm.

“Giá cả vẫn giữ ở mức cao, nên không có gì ngạc nhiên khi giá hàng hoá và dịch vụ bán buôn tăng lên. Nhưng hãy lưu ý rằng mức tăng này đã ít hơn so với những gì chúng ta đã chứng kiến trong những tháng liên tiếp trước đây của năm 2022”, ông Mike Loewengart, trưởng bộ phận xây dựng danh mục mẫu của Morgan Stanley Global Investment Office, nhận định với hãng tin CNBC.

“Có một điều cắc chắn là nỗ lực tăng lãi suất của Fed vẫn phải duy trì. Nếu báo cáo CPI ngày mai vẫn nóng, một số nhà đầu tư sẽ bắt đầu hiểu ra rằng chặng đường chống lạm phát sẽ dài như thế nào”.

Chứng khoán châu Âu và thế giới nói chung cũng giảm điểm trong phiên ngày thứ Tư. Chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu mất 0,53%; trong khi MSCI All Country World Index của chứng khoán toàn cầu giảm 0,31%.

Theo Khánh Vân/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-my-giam-6-phien-lien-tiep-xuong-muc-thap-nhat-ke-tu-thang-112020-153174.html