QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán Mỹ “quay xe” giảm hơn 400 điểm khép lại tuần tăng nhẹ

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm vào ngày 14/10, khép lại một tuần đầy biến động trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục căn chỉnh kỳ vọng về lạm phát.

Kết thúc phiên giao dịch 14/10, chỉ số Dow Jones giảm 403,89 điểm (tương đương 1,34%) xuống 29.634,83 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tăng 1,15% trong tuần này. Chỉ số S&P 500 mất 2,37% xuống 3.583,07 điểm và ghi nhận phiên giảm điểm thứ 7 trong 8 phiên.

Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,08% còn 10.321,39 điểm, chịu áp lực bởi đà sụt giảm của cổ phiếu Tesla và Lucid Motors, lần lượt sụt 7,55% và 8,61%. Xét chung cả tuần qua, S&P 500 tăng 1,15% trong khi &P 500 và Nasdaq Composite đều khép lại tuần qua với sắc đỏ, lần lượt giảm 1,55% và 3,11%.

Chứng khoán Mỹ rơi xuống mức đáy trong phiên sau khi một cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng từ Đại học Michigan cho thấy, kỳ vọng lạm phát đang tăng, điều mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể theo dõi sát sao.

Nasdaq Composite dẫn đầu đà lao dốc của thị trường vì các cổ phiếu công nghệ là nhóm nhạy cảm nhất với các đợt nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Đồng thời, lợi suất trái phiếu cũng tăng, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 4% lần thứ 2 trong 2 ngày khi nhà đầu tư phản ứng với các kỳ vọng lạm phát cao hơn.

Thị trường đã biến động mạnh trong tuần qua khi nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu lạm phát mới, điều này sẽ cho Fed biết có nên tiếp tục nâng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát hay không.

Vào ngày 13/10, chứng khoán Mỹ đã có sự đảo chiều ngoạn mục trong phiên. chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc mất tới 550 điểm trong phiên nhưng cũng có lúc vọt lên 958 điểm, tương ứng với biên độ dao động khoảng 1.500 điểm trong phiên 13/10. Đóng cửa, chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này tăng 828 điểm, tương ứng 2,83%, và dừng ở 30.039 điểm.

Tương tự, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 2,6% và 2,23%, chấm dứt chuỗi giảm điểm 6 phiên liên tục trước đó.

Ngày thứ Năm đánh dấu sự đảo chiều tăng từ mức đáy trong phiên mạnh thứ 5 trong lịch sử của S&P 500, và là sự đảo chiều mạnh thứ 4 đối với Nasdaq Composite, theo SentimenTrader.

Các động thái trên thị trường diễn ra sau khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng CPI công bố, một chỉ báo lạm phát quan trọng của Mỹ cho thấy lạm phát nóng hơn dự kiến trong tháng 9. Ban đầu, điều này gây áp lực lên thị trường khi nhà đầu tư đối mặt với việc Fed tiếp tục kế hoạch nâng lãi suất mạnh tay. Sau đó, nhà đầu tư đã rũ bỏ những lo lắng này.

Tuy nhiên, lạm phát dai dẳng vẫn là một vấn đề đối với Fed và lo ngại của nhà đầu tư xung quanh việc thắt chặt chính sách của các ngân hàng trung ương.

Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản UBS, nhận định: “Lạm phát lõi vẫn đi lên và thị trường lao động vững mạnh, đây không phải là những điều kiện hợp lý để Fed thay đổi chính sách. Chỉ khi nào Fed đảo chiều chính sách thì thị trường cổ phiếu mới có thể tăng điểm bền vững”.

“Bên cạnh đó, “khi lạm phát tiếp tục tăng cao và Fed nâng lãi suất nhiều hơn, rủi ro gia tăng do tác động tích luỹ của việc thát chặt chính sách đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, làm suy yếu triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Haefele nói thêm.

Theo Khánh Vân/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-my-quay-xe-giam-hon-400-diem-khep-lai-tuan-tang-nhe-153514.html