Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (HNX: VFS).
Cụ thể, ngày 2/8 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 874/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Chứng khoán Nhất Việt (VFS), đơn vị có địa chỉ tại lầu 1, số 117-119-121 Nguyễn Du, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, Chứng khoán Nhất Việt bị phạt 187,5 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế cho vay. Trong năm 2022 và năm 2023, Công ty đã thực hiện giải ngân ứng trước tiền bán cho các cá nhân là người nội bộ và người liên quan của người nội bộ của Công ty.
Đồng thời, VFS bị phạt thêm 137,5 triệu đồng do cho khách hàng rút tiền vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của các khách hàng. Trong năm 2023, Công ty đã cho 4 khách hàng rút tiền vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của các khách hàng.
Như vậy, tổng số tiền VFS bị phạt là 325 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, Chứng khoán Nhất Việt được thành lập ngày 13/10/2008 theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 100/GP-UBCK của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước với vốn điều lệ 135 tỷ đồng và cuối năm 2023, vốn điều lệ lên tới 1.200 tỷ đồng. Trong đó, Công ty không thuyết minh cổ đông lớn cụ thể chỉ thuyết minh có 1 cổ đông cá nhân và 2 tổ chức lớn sở hữu tổng cộng 30,34% vốn điều lệ; còn lại 69,66% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác.
Hiện tại, Chứng khoán Nhất Việt được điều hành bởi ông Trần Anh Thắng trên cương vị Tổng giám đốc, được bổ nhiệm từ ngày 10/4/2021 tới nay. Ngoài ra, Công ty cũng vừa thay Chủ tịch HĐQT từ ngày 20/4/2024 khi bầu bà Nghiêm Phương Nhi lên thay cho ông Nguyễn Thế Anh.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 2/2024, VFS báo lãi 29,95 tỷ đồng, giảm 19,48% so với cùng kỳ (37,20 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm, VFS báo lãi 57 tỷ (cùng kỳ lãi gần 44 tỷ đồng).
Theo giải trình từ VFS, lợi nhuận quý 2 giảm là do doanh thu hoạt động tăng nhưng nhưng chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng, lãi tiền gửi giảm. Cùng với đó, chi phí hoạt động môi giới tăng, chi phí từ lỗ bán các tài sản tài chính thông qua lãi lỗ FVTPL, chi phí dự phòng tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi, lỗ suy giảm tài chính tăng…Mặt khác, chi phí quản lý, lãi vay, chi phí thuế TNDN tăng.
Mới đây, HĐQT Công ty thông qua việc chào bán 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng với tỷ lệ 1:1. Tổng giá trị chào bán được là 1.200 tỷ – trong đó, 600 tỷ nhằm bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh chứng khoán gồm cổ phiếu và các giấy tờ có giá; 600 tỷ còn lại nhằm bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ. Đồng thời, phát hành 9,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 10:8. Nguồn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty theo BCTC kiểm toán năm 2023.