QC 1
Thứ 5, ngày 12/12/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán phiên 4/11: VN-Index giảm mạnh, nhóm ngân hàng và tài nguyên cơ bản gây áp lực

Kết phiên 4/11, VN-Index giảm hơn 10 điểm về mức 1.244. Nhóm ngân hàng và tài nguyên cơ bản gây áp lực lớn, dẫn đầu là các mã TPB, GVR, VPB, và HDB. Thanh khoản duy trì thấp với 709,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh với hơn 536 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 4/11 ghi nhận diễn biến tiêu cực khi VN-Index giảm 10,18 điểm, tương ứng 0,81%, xuống còn 1.244,7 điểm. Trên sàn HoSE, sắc đỏ chiếm ưu thế rõ rệt với 287 mã giảm, 93 mã tăng và 59 mã đứng giá. Thanh khoản trên sàn duy trì ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 709,6 triệu cổ phiếu, tương đương 15.854 tỷ đồng.

Trong rổ VN30, áp lực bán gia tăng mạnh với 24 mã giảm, chỉ 4 mã tăng và 2 mã giữ giá. Chỉ số VN30-Index theo đó giảm 12,98 điểm (-0,98%) còn 1.312,64 điểm. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như TPB, GVR, VPB, HDB và VIB đều giảm từ 1,9% đến 2,9%, tạo lực kéo lớn làm VN-Index mất điểm.

Chứng khoán phiên 4/11: VN-Index giảm mạnh, nhóm ngân hàng và tài nguyên cơ bản gây áp lực

Về tác động đến chỉ số, các mã VCB, VPB, GVR và FPT nằm trong nhóm gây áp lực giảm mạnh nhất, lần lượt lấy đi 1,38 điểm, 0,87 điểm, 0,73 điểm và 0,65 điểm. Mặc dù một số cổ phiếu như REE, KBC, FTS và CTG tăng điểm, nhưng lực tăng chưa đủ để cân bằng chỉ số trong bối cảnh áp lực bán chiếm ưu thế.

Sàn HNX cũng không ngoại lệ khi chỉ số HNX-Index giảm 0,96 điểm (-0,43%) về mức 224,45 điểm với 48 mã tăng, 59 mã giữ giá và 102 mã giảm. Thanh khoản trên sàn đạt 47,2 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch 797 tỷ đồng. Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,38%) xuống còn 91,61 điểm, với tổng khối lượng giao dịch đạt 311,3 triệu cổ phiếu, giá trị 8.848 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 116 mã tăng, 187 mã giữ giá và 153 mã giảm.

Nhóm ngành ngân hàng và tài nguyên cơ bản tạo áp lực lớn lên thị trường

Nhóm ngân hàng giảm trung bình 1,05% trong phiên, với các mã có khối lượng giao dịch lớn và mức giảm sâu. Dẫn đầu là EIB với mức giảm 4,8% xuống 18.700 đồng/cp, khớp lệnh 16,2 triệu đơn vị. Cổ phiếu VPB dẫn đầu thanh khoản với hơn 30,6 triệu đơn vị, giảm 2,2%, trong khi TPB giảm mạnh nhất nhóm, mất 2,9% với thanh khoản đạt 27 triệu đơn vị. Các mã khác như OCB, MSB, HDB, NAB, VIB cũng đồng loạt giảm từ 1,9% đến 3,7%.

Ngành tài nguyên cơ bản cũng chịu áp lực, giảm trung bình 1,16%. Các mã thép như HPG, HSG và NKG đều giảm nhẹ dưới 1%, trong khi các mã như SMC (-2,3%), VGS (-0,6%) và TVN (-2,7%) ghi nhận mức giảm sâu hơn. Cổ phiếu nhóm hóa chất giảm mạnh với DCM, GVR, AAA, DPM, CSV, BFC giảm từ 1,2% đến 2,9%.

Nhóm bất động sản có sự phân hóa nhẹ, chỉ giảm 0,21%. Một số mã nổi bật giữ được sắc xanh như DXG tăng 0,3% với thanh khoản 20,8 triệu đơn vị; KBC tăng 2,7%, thanh khoản 6,5 triệu đơn vị; và DIG tăng 0,7%, thanh khoản 5,2 triệu đơn vị. Ở chiều ngược lại, TCG giảm mạnh 3,5%, NVL giảm 1,4%, VRE giảm 0,3%, NTL giảm 2,2%, HDC giảm 2,5%.

Đi ngược với xu hướng giảm chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận mức tăng 0,46%. Cổ phiếu FTS dẫn đầu đà tăng với +4% lên 42.900 đồng/cp, thanh khoản đạt 2,5 triệu đơn vị. Các mã như MBS, HCM, SBS cũng tăng hơn 2%, cùng với SSI, CTS, HBS, VCI, BSI, BVS duy trì sắc xanh.

Khối ngoại duy trì đà bán ròng, tập trung vào các mã lớn

Phiên hôm nay ghi nhận chuỗi bán ròng kéo dài của khối ngoại với giá trị hơn 536,26 tỷ đồng. Trong đó, MSN, VHM, KDC, FPT và MWG là các mã bị bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 252 tỷ, 167 tỷ, 101 tỷ, 64 tỷ và 40 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các mã được khối ngoại mua ròng gồm VPB (196 tỷ đồng), TCB (144 tỷ đồng), CTG (54 tỷ đồng), VNM (20 tỷ đồng) và PAN (12 tỷ đồng).

Top 5 mã có giá trị giao dịch cao nhất gồm VHM (813 tỷ đồng), MSN (613 tỷ đồng), MWG (609 tỷ đồng), VPB (603 tỷ đồng) và HPG (482 tỷ đồng). Top 5 mã có thanh khoản cao nhất là VPB (30,5 triệu đơn vị), TPB (27 triệu đơn vị), VIX (25 triệu đơn vị), DXG (20,8 triệu đơn vị) và VHM (19,8 triệu đơn vị).

Theo Đức Anh/Kinh tế Chứng khoán