QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán phiên sáng 11/3: Áp lực điều chỉnh, VN-Index tiếp tục giảm hơn 3 điểm

Bước vào phiên giao dịch ngày 11/3, sau 2 phiên giảm liên tiếp cuối tuần trước, thị trường tiếp tục duy trì trạng thái thiếu tích cực do áp lực bán vẫn khá cao trong khi dòng tiền tham gia càng trở nên thận trọng và hạn chế.

Ảnh minh họa

Áp lực bán các bluechip như VHM, GAS, SAB, VIC, VCB, VRE tăng mạnh. Diễn biến phân hóa rõ nét hiện diện tại các nhóm ngành. Tuy nhiên, đà giảm điểm của các mã bất động sản không quá mạnh, ngoại trừ QCG mất 3,5%, FIT, NVT mất 4,4%.

Ngược lại, các mã dầu khí chịu lực cung tăng mạnh và đồng loạt giảm điểm. Các nhóm ngành khác như ngân hàng, thủy sản, điện, hàng không cũng giao dịch khá tiêu cực. Trong khi đó, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng 3,8% với thanh khoản dẫn đầu thị trường hơn 2,1 triệu đơn vị. Nhà đầu tư nước ngoài tích cực mua ròng cổ phiếu này.

Tính đến giữa phiên giao dịch, diễn biến phân hóa vẫn bao phủ ở hầu hết các nhóm ngành. Bộ đôi VHM-VRE tích cực phục hồi dù mức tăng không quá lớn. Ngược lại, VCB, BID, HDB, GAS, MSN vẫn chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, cổ phiếu QCG từ mức giảm sâu gần 4% đã đảo chiều tăng kịch trần lên 6.040 đồng/cp, thanh khoản hơn 2,5 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng hơn 200.000 đơn vị. Nhóm thép với HSG tăng 4,8%.

Về cuối phiên giao dịch, nhóm VN30 ghi nhận NVL dẫn đầu với mức tăng 3,7%, SBT với 1,3%. Ngược lại, ROS, GAS, CTD mất hơn 1%. Cổ phiếu QCG vẫn giữ mức tăng 5,3% trong khi YEG chạm sàn phiên thứ 6 liên tiếp, còn 158.700 đồng/cp. Nhóm chứng khoán chỉ ghi nhận VDS tăng 0,1%.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu “họ FLC” đều đi ngang tham chiếu, ngoại trừ ROS giảm 1,5%. Tuy nhiên, FLC dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 4,4 triệu đơn vị.

Tạm dừng phiên sáng, trên sàn HOSE có 158 mã giảm và 122 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 3,11 điểm (-0,32%) xuống 982,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 97,9 triệu đơn vị, giá trị 1.863,15 tỷ đồng, giảm hơn 21% về lượng và 24,5% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 21 triệu đơn vị, giá trị 406,16 tỷ đồng, trong đó riêng VSH thỏa thuận 7 triệu đơn vị, giá trị 122,5 tỷ đồng.

Tương tự, trên sàn HNX cũng rung lắc khá mạnh quanh mốc tham chiếu nhưng lực bán dâng cao về cuối phiên cũng đẩy HNX-Index về sâu hơn dưới mốc tham chiếu. Với 55 mã giảm và 42 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,29%) chốt phiên tại mức 107,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,59 triệu đơn vị, giá trị 233,12 tỷ đồng, giảm 15,67% về lượng và 14,42% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.

Cũng giống 2 sàn niêm yết, tại thị trường UPCoM cũng đuối sức về cuối phiên. Tạm dừng phiên sáng, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,08%) xuống 55,9 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 110 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 7,6 tỷ đồng.

Theo Tân An/Thời báo Chứng khoán