QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán phiên sáng 12/3: YEG giảm sàn 7 phiên liên tiếp, VN-Index vẫn bật tăng hơn 9 điểm

Phiên giao dịch sáng ngày 12/3, nhà đầu tư đã lạc quan hơn sau những phiên thị trường điều chỉnh liên tiếp. Dòng tiền lan tỏa khá tốt đến nhiều nhóm ngành giúp sắc xanh lấn át trên bảng điện tử và đưa chỉ số VN-Index trở lại ngưỡng trên 990 điểm.

Ảnh minh họa

Các bluechip như VHM-VIC-VRE, VNM và một số mã ngân hàng (VCB, CTG, BID) làm lực đỡ cho đà tăng của VN-Index. Ngược lại, ROS, POW, MSN giảm điểm gây bất lợi cho chỉ số.

Hầu hết các nhóm ngành đều giao dịch tích cực với sắc xanh chủ đạo. Một số mã tăng nổi bật gồm HQC (+2,1%), POM (+3,9%), ART (+4,2%), DQC (+4,7%), CMX (+4,8%)…

Đáng chú ý, cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 vẫn giảm sàn phiên thứ 7 liên tiếp. YEG hiện được giao dịch tại mức giá 147.600 đồng/cp. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ra cổ phiếu này nhưng không nhiều.

Đến giữa phiên giao dịch, các mã bluechip có phần hạ nhiệt nhưng VHM bứt phá 2,4% giúp VN-Index hướng tới mốc 995 điểm. Tại nhóm VN30, cổ phiếu NVL dẫn đầu với mức tăng 3,2%, ngoài ra VHM và VRE tăng trên 2,5%. Đáng chú ý, FLC dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 3,2 triệu đơn vị. Theo sát là ROS nhưng thị giá giảm 1,4% còn 32.200 đồng/cp.

Trong phiên sáng nay, chỉ số VN-Index có thời điểm chạm ngưỡng 995 điểm nhưng bị lùi lại ngay sau đó chủ yếu do cổ phiếu VHM biến động. Tại nhóm VN30, REE và NVL dẫn đầu mức tăng 3,3%. Trong khi đó, ROS, MSN, CII, VJC, DHG chìm trong sắc đỏ. NVL được khối ngoại mua ròng hơn 17 tỉ đồng trong phiên sáng. Đáng chú ý, YEG vẫn chạm sàn 147.600 đồng/cp, thanh khoản hơn 124.050 đơn vị.

Nhóm chứng khoán phân hóa với MBS, VCI, HCM tăng nhưng VDS, BSI giảm. Cổ phiếu thép giao dịch tương tối tích cực, ngoại trừ TIS thì mức tăng không quá 2%. Nhóm thủy sản với FMC, ANV, AAM đã quay đầu giảm điểm nhưng cổ phiếu dệt may vẫn giữ sự khởi sắc (STK tăng 2,9%, VGT với 1,6%).

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng phiên thứ hai liên tục trên sàn HOSE với giá trị khoảng 16 tỉ đồng, tập trung vào HPG (35 tỉ đồng) và VNM (27 tỉ đồng).

Tạm dừng phiên sáng, trên sàn HOSE có 167 mã tăng và 112 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 9,07 điểm (+0,92%), lên 993,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 103,2 triệu đơn vị, giá trị 2.174,61 tỷ đồng, tăng hơn 5% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12 triệu đơn vị, giá trị 182,7 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index mở cửa tăng điểm, nhưng sau đó dần hạ độ cao, nhưng kết phiên sáng vẫn duy trì được sắc xanh do nhiều cổ phiếu lớn thu hẹp đà tăng. Tạm dừng phiên sáng, trên sàn HNX có 49 mã tăng và 49 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,34 điểm (+0,32%), lên 108,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị 295,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,94 triệu đơn vị, giá trị 62 tỷ đồng, trong đó phần lớn là 7,65 triệu cổ phiếu SHB tại mức giá tham chiếu, giá trị 55,2 tỷ đồng.

Trên thị trường UpCoM, diễn biến UpCoM-Index khá tương đồng với VN-Index, khi mở cửa tăng khá tốt, sau đó đi ngang và cũng có được mức điểm cao nhất về cuối phiên, nhưng cũng bị đẩy nhẹ xuống đôi chút trong những phút cuối. Tạm dừng phiên sáng, chỉ số UpCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,67%), lên 56,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,1 triệu đơn vị, giá trị 208,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,33 triệu đơn vị, giá trị 42 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Thanh/Thời báo Chứng khoán