QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán toàn cầu ‘rực lửa’ trước nguy cơ ‘bom nợ’ Evergrande phát nổ

Cơn lốc bán tháo đã càn quét thị trường tài chính toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 20/9 trước nguy cơ vỡ nợ của “ông trùm” bất động sản Trung Quốc Evergrande.

Chứng khoán toàn cầu ‘rực lửa’ trước nguy cơ ‘bom nợ’ Evergrande phát nổ.

Tăng trưởng phi mã trong nhiều năm và dồn dập mua tài sản vào thời điểm kinh tế Trung Quốc bùng nổ, China Evergrande Group hiện ngập trong “núi nợ” 300 tỷ USD.

Việc tập đoàn địa ốc khổng lồ này bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ đã gây ra một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán Hong Kong, Trung Quốc, lan rộng ra cả Mỹ và châu Âu ngay trong phiên giao dịch đầu tuần.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,3% khi cổ phiếu Evergrande giảm 14%, ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Riêng chỉ số bất động sản của Hang Seng giảm tới 6,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.

Các thị trường chứng khoán từ Mỹ tới châu Âu cũng đều đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày 20/9.

Tại châu Âu, chỉ số Euro Stoxx 600 giảm gần 2%. Chỉ số FTSE 100 của London cũng sụt 1% trước làn sóng bán tháo do lo ngại sự suy thoái của Trung Quốc sẽ làm thâm hụt giá hàng hóa.

Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 sụt 1,7%, còn 4.357,73 điểm, ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 5.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng mất 1,8%, còn 33.970,47 điểm. Chỉ số Nasdaq (rổ chỉ số tập trung vào nhóm công nghệ) cũng không khá khẩm hơn khi lao dốc tới 2,2%, còn 14.713,9 điểm, giảm điểm mạnh nhất từ tháng 9/2020.

Các tài sản rủi ro khác cũng giảm giá mạnh. Giá trị đồng tiền ảo lớn nhất thế giới Bitcoin mất 10%, xuống dưới 43.000 USD. Giá quặng sắt giảm xuống dưới 100 USD/tấn, giá đồng giảm 2%… Chỉ riêng giá vàng tăng 0,7%, lên 1.764 USD.

Chứng khoán châu Á được dự báo sẽ tiếp tục giảm điểm trong phiên hôm nay (21/9), Nikkei 225 tương lai giảm 1%, S&P/ASX 200 tương lai giảm 1,4% và Hang Seng tương lai giảm 1,6%.

Trả nợ bằng bất động sản

Hengda Real Estate Group Co Ltd, công ty con chủ chốt của tập đoàn bất động sản China Evergrande, mới đây cho biết Evergrande đã bắt đầu trả nợ cho những người đầu tư vào “sản phẩm quản lý tài sản” (WMP) của tập đoàn này bằng các tài sản bất động sản.

WMP là các sản phẩm đầu tư tài chính với lợi suất cao do các ngân hàng hoặc doanh nghiệp Trung Quốc phát hành. Theo Reuters, các nhà đầu tư nắm giữ WMP của Evergrande có thể lựa chọn chuyển đổi khoản nợ này sang các căn hộ, văn phòng, không gian bán lẻ hoặc bãi đậu xe.

Hãng tin tài chính Caixin ước tính Evergrande có khoảng 40 tỷ NDT (6 tỷ USD) khoản nợ WMP chưa trả. WMP của Evergrande thường do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ.

Nguy cơ vỡ nợ của Evergrande lúc này không chỉ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư cá nhân, mà toàn bộ thị trường bất động sản cũng như hệ thống tài chính Trung Quốc bị chao đảo.

Theo Phoenix Kalen, người đứng đầu về chiến lược đầu tư vào các thị trường mới nổi tại London, những hậu quả từ sự sụp đổ trong tương lai của Evergrande có thể sẽ góp phần vào sự giảm tốc kinh tế đang diễn ra của Trung Quốc, từ đó kéo theo tăng trưởng và lạm phát toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng đến giá hàng hóa.

Được biết, tập đoàn này hiện đang sở hữu 1.300 dự án bất động sản tại 280 thành phố tại Trung Quốc. Ngoài ra, Evergrande còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như ô tô điện, dịch vụ y tế, tiêu dùng và lĩnh vực liên quan tới giải trí, truyền hình.

Doanh nghiệp này mô tả có 200.000 nhân viên và tạo ra 3,8 triệu việc làm mỗi năm. Chính bởi múc độ bao phủ lớn của mình, việc Evergrande sụp đổ sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn.

Nhiều chuyên gia kinh tế so sánh sự sụp đổ của Evergrande với vụ đổ vỡ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ do khủng hoảng nợ dưới chuẩn, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo Minh Đăng/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/chung-khoan-toan-cau-ruc-lua-truoc-nguy-co-bom-no-evergrande-phat-no-20180504224258927.htm