QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: ‘Một Việt Nam hùng mạnh về kinh tế là mục tiêu của nước Mỹ’

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng một Việt Nam hùng mạnh về kinh tế là một mục tiêu của Mỹ, khi quốc gia này đang nỗ lực gây dựng lại nội lực và “thoát Trung” trong chuỗi cung ứng – sản xuất.

Ông Bùi Kiến Thành

Ông Bùi Kiến Thành là một nhân vật đặc biệt của lịch sử, khi là một trong những người Việt đầu tiên được đào tạo bài bản về tài chính tại Mỹ (Đại học Columbia).

Dưới chế độ cũ, ông là đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại New York (Mỹ) khi mới 25 tuổi và là chính khách trẻ nhất ra vào dinh Gia Long.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Bùi Kiến Thành tham gia tư vấn về nhiều chính sách kinh tế – xã hội cho Chính phủ Việt Nam qua ba đời thủ tướng là Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng.

Nhân dịp kỉ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Kiến Thành:

– Thưa ông, Việt – Mỹ hiện đã là đối tác toàn diện của nhau. Vậy, ông đánh giá về triển vọng phát triển của mối quan hệ này trong thời gian tới như thế nào?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Triển vọng là rất lớn nhưng lớn đến đâu thì tùy thuộc vào nhận định và quyết tâm của Việt Nam.

Thứ nhất, về địa chính trị, Việt Nam là trung tâm không những của Đông Nam Á mà của cả vùng Bắc Á và Nam Á, từ Nhật Bản phía Bắc đến Ấn Độ phíá Nam, một cộng đồng chiếm hơn nửa dân số và trên 50% GDP của thế giới. Gần 50% hàng hóa thế giới luân chuyển qua Biển Đông theo hai chiều Đông Tây và Nam Bắc.

Về tiềm năng, Việt Nam là một quốc gia duyên hải, với vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) có vị trí như là điểm xuất phát ra đại dương và sẽ là trung tâm kinh tế tài chính quốc tế còn lớn hơn cả Singapore trong thế kỷ 21-22.

Thứ hai, về lịch sử và văn hóa, Việt Nam là bạn với tất cả quốc gia trên thế giới, không có thù địch với bất kỳ chế độ nào. Ngày 7/6/2019, Việt Nam được 192/193 phiếu của các thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an – một đa số chưa có tiền lệ. Trong một thế giới sôi động về tranh chấp giáo phái, chủng tộc, khủng bố, Việt Nam là một đất nước an bình.

Thứ ba, Việt Nam là thành viên của hơn mười hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó nổi tiếng nhất là CPTPP và EVFTA, chưa kể các hiệp định song phương khác.

Với các vị thế trên và một dân số tương đối trẻ, có trình độ văn hóa cao, có khả năng tiếp thu khoa học – công nghệ -kĩ thuật nhanh, Việt Nam là một trong các đối tác tiềm năng hàng đầu đối với Mỹ cũng như đối với các quốc gia khác trong khu vực.  

Tất cả vấn đề là môi trường phát triển, quyết tâm cải cách thể chế, bộ máy hành chính, tiến lên một nhà nước pháp quyền, quản lý minh bạch và khoa học của Việt Nam.

– Theo nhãn quan của ông, quan hệ Việt – Mỹ trong bối cảnh mới có gặp phải thách thức nào đáng kể không?

Thách thức đáng kể nhất vẫn là ở ta, đó là làm sao phát huy nội lực, nhanh chóng tiếp thu khoa học kĩ thuật từ bên ngoài nhưng không quá lệ thuộc vào yếu tố nước ngoài, vì lệ thuộc sẽ dẫn tới nguy cơ mất chủ quyền, làm nô lệ kinh tế – tài chính cho các cường quốc và các tập đoàn kinh tế tài chính đa quốc gia.

– So với 25 năm trước, ông nhận thấy “cái nhìn” của Mỹ về Việt Nam có sự đổi khác như thế nào?

So với 25 năm hay 50 năm trước, đối với Mỹ, Việt Nam không còn là một bàn đạp trong cuộc chiến ý thức hệ nữa.

Cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa các cường quốc trên thế giới đã đổi thay, hệ trọng không chỉ là lấn chiếm lãnh thổ, chạy đua vũ trang mà là chiếm thế thượng phong về phát triển kinh tế, tài chính, ngoại thương.

Do đó, một Việt Nam hùng mạnh về kinh tế là một mục tiêu của Mỹ, khi quốc gia này đang nỗ lực gây dựng lại nội lực và “thoát Trung” trong chuỗi cung ứng – sản xuất.

– Việt Nam đứng giữa trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh hai đại cường này đối đầu nhau, Việt Nam nên ứng xử như thế nào?

Chính sách của Việt Nam là làm bạn với tất cả, không liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào để đối đầu với một quốc gia nào khác. Mục đích của Việt Nam luôn hướng tới là bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế.

Đối với Mỹ cũng vậy và đối với Trung Quốc cũng vậy, Việt Nam không đứng về một bên để đối đầu với bên kia. Viêt Nam cũng không hy sinh sự an toàn của mình để xen vào bất cứ một tranh chấp nào giữa các cường quốc.

Trên thực tế, Việt Nam đã vận dụng luật pháp quốc tế, như Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) và Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) cùng những nghị quyết của ASEAN để giải quyết các xung đột trên Biển Đông. Lực lương của Mỹ chỉ có giá trị tượng trưng và sẽ không bao giờ được Việt Nam sử dụng để đối đầu với Trung Quốc.

– Ông có khuyến nghị gì với Chính phủ trong việc quan hệ với Mỹ?

Đối với Mỹ cũng như đối với bất kỳ đối tác nào, Việt Nam luôn tìm cơ hội hợp tác, nhưng vẫn phải cẩn trọng trong quan hệ để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, không để bị đẩy vào thế bất lợi, hủy hoại môi trường, suy yếu chủ quyền.

Quan hệ đối tác phải được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của nhau. Xuất phát là một nước kém phát triển đối đầu với một cường quốc kinh tế, tài chính lớn, Việt Nam cần phải nghiên cứu ưu thế tương đối của mình và không để bị dồn vào thế bất lợi trong thương thảo hợp tác.

Một điểm yếu hiện nay của Việt Nam là thể chế chưa được hoàn chỉnh, hệ thống quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là bộ máy còn cồng kềnh, chưa hiệu quả, tham nhũng, tiêu cực còn chưa làm sạch được.

Trong khi đó, luật pháp của Mỹ lại không chấp nhận bất cứ một hành động tiêu cực nào trong quản lý kinh doanh. Các nhà quản lý doanh nghiệp Mỹ đều phải thận trọng trong hành vi, vì tham nhũng, đưa hội lộ là một tội danh hình sự. Các doanh nghiệp Mỹ không thể hợp tác phát triển kinh doanh với Việt Nam nếu nạn hối lộ, nạn chi phí “không chính thức” không được diệt trừ triệt để.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Aí Châu Tử/VietnamFinance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/chuyen-gia-bui-kien-thanh-mot-viet-nam-hung-manh-ve-kinh-te-la-muc-tieu-cua-nuoc-my-20180504224240871.htm