QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vietracimex: Một mô hình to, nhưng thiếu “chất”

Một trong những dự án năng lượng thể hiện năng lực “có hạn” của chủ đầu tư “họ” Vietracimex

12 năm sau cổ phần hóa, Tổng CTCP thương mại xây dựng (Vietracimex) hiện có nhiều dự án, nhiều khu đất ở Hà Nội, Tp.HCM, Phú Quốc, và những dự án thủy điện, dự án giấy… quy mô nghìn tỷ.

Giàu quan hệ, yếu “trình”

Vietracimex gốc là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải, nhưng giờ là “của riêng” của Chủ tịch Võ Nhật Thăng, với việc nắm tới 99,98% cổ phần tổng công ty này, tương đương hơn 5.500 tỷ đồng vốn điều lệ. 18 cá nhân cổ đông sáng lập còn lại hiện không nắm giữ cổ phần tại Vietracimex. Nhưng không ít trong số này “đứng tên” pháp nhân thực hiện dự án của Vietracimex.

Việc ông Võ Nhật Thăng, từ chỗ đại diện vốn nhà nước lại trở thành cá nhân nắm giữ gần hết số cổ phần Vietracimex đã có kết luận thanh tra, chỉ rõ những sai phạm thuộc về các cá nhân, tổ chức liên quan. Tuy nhiên sau đó không xuất hiện thông tin về kết quả xử lý sai phạm.

Vietracimex có 15 công ty thành viên, hoạt động ở 4 mảng: BĐS, năng lượng, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ. Trong đó, mảng năng lượng là nơi Vietracimex thể hiện “chất” của doanh nghiệp này nhất, với cả loạt dự án phát điện.

Ác nỗi, bên cạnh thực tế giành được nhiều dự án năng lượng, tới mức ngỡ ngàng, thì đây cũng là mảng nhiều tai tiếng nhất của Vietracimex.

Chẳng hạn, tại dự án nhà máy thủy điện Đạ Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, vào tháng 12/2014, đã xảy ra tai nạn sập hầm hầm dẫn nước, khiến 12 công nhân suýt thiệt mạng… Đích thân Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phải vào tận nơi chỉ huy cứu hộ.

Dự án này do Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Long Hội – một công ty con của Vietracimex – làm chủ đầu tư. Sau này, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tiến hành xử phạt hành chính đối với 6 doanh nghiệp liên quan trong vụ việc, thì có ít nhất 2 doanh nghiệp thuộc Vietracimex.

Đáng chú ý, các lỗi bị xử phạt cho thấy các doanh nghiệp không đủ năng lực làm công trình thủy điện.

Đặc biệt, 2 doanh nghiệp thuộc Vietracimex thì 1 là chủ đầu tư không thành lập nổi ban quản lý dự án đủ năng lực, còn 1 thì lại là tư vấn giám sát thi công công trình khi….chưa đủ năng lực. Nói cách khác là các doanh nghiệp thuộc Vietracimex đã “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong dự án này, khi chưa đủ năng lực thực hiện dự án.

Câu chuyện tương tự được lặp lại tại dự án nhà máy thủy điện Tà Thàng (Lào Cai) do Công ty CP điện Vietracimex Lào Cai – công ty thuộc Vietracimex – là chủ đầu tư. Gần nhất, doanh nghiệp này bị bêu tên nợ thuế nhiều nhất tỉnh Lào Cai, tính tới thời điểm tháng 9/2018, với hơn 46,9 tỷ đồng.

Và dù dự án đã hoàn thành từ tận năm… 2013, thì tới năm 2018, tỉnh Lào Cai vẫn khẳng định Công ty CP điện Vietracimex Lào Cai vừa nợ thuế, và vừa thiếu thủ tục cho dự án nhà máy thủy điện này. Đến mức sở ngành địa phương phải tham mưu tỉnh Lào Cai có văn bản đề nghị Bộ Công thương xem xét lại việc cấp Giấy phép hoạt động điện lực đã cấp cho dự án này.

Đáng lưu ý, trong quá trình thực hiện dự án, Chủ tịch hiện tại của Vietracimex – ông Võ Nhật Thăng – đã can dự trực tiếp vào hợp đồng mua vật liệu thi công dự án giữa hai doanh nghiệp, nhưng hơn trăm tỷ đồng tiền thanh toán cho hợp đồng này, thì lại chuyển vào tài khoản cá nhân người thân ông Thăng.

Ít ai ngờ, những thiết bị máy móc này (nằm trong nhà máy bột giấy VNT 19 Quảng Ngãi) lại là hàng đã qua sử dụng và thải loại

Hiện Vietracimex đang làm chủ nhiều dự án năng lượng khác tại Bắc Mê (Hà Giang), điện gió Hòa Thắng 1,2 (Bình Thuận), điện mặt trời Hồng Phong 1,2 (Bình Thuận), thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô (Nghệ An)… với tổng quy mô đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Những vấn đề liên quan tới năng lực thực hiện, dấu hiệu bất thường tại các dự án năng lượng của Vietracimex, quan hệ thâm tình và nhiều góc khuất của doanh nghiệp này với một số công ty “họ” Sông Đà… chúng tôi sẽ trình bày trong bài báo khác.

Cú hạ chuẩn nhiều toan tính

Dự án lớn do Vietracimex “ấp ủ” 7 năm qua là nhà máy bột giấy VNT 19 đặt tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án có công suất giai đoạn 1 (sau điều chỉnh) là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng là 117 ha, do Công ty CP Bột – Giấy VNT 19 – công ty con của Vietracimex – làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công năm 2015, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Tổng vốn đầu tư là gần 9.900 tỷ đồng, với ít nhất 50% vốn đầu tư do hai ngân hàng BIDV và NCB cam kết cho vay.

Đây là dự án bị cả người dân và chính quyền…. kêu. Cụ thể, dân trong khu vực kêu nhà máy chưa sản xuất đã gây ô nhiễm trong khu vực, do khói bụi và nước mưa tràn. Trong khi tỉnh Quảng Ngãi “kêu” dự án nhập máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ châu Âu. Đồng thời, công ty giám định các thiết bị này chưa có tên trong danh sách tổ chức giám định được Bộ KH&CN công bố.

Lưu ý là, chứng nhận đầu tư ban đầu của dự án này đã yêu cầu phải sử dụng công nghệ tiên tiến, máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ mới 100%, quy trình công nghệ khép kín, đáp ứng điều kiện và các chỉ tiêu kinh tế và thực hiện tốt nội dung bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, sau các lần điều chỉnh, yêu cầu máy móc mới 100% này đã không còn xuất hiện trong chứng nhận đầu tư cấp lại của dự án.

Tổng vốn đầu tư dự án là gần 9.900 tỷ đồng, với ít nhất 50% vốn đầu tư do hai ngân hàng BIDV và NCB cam kết cho vay

Việc bỏ yêu cầu phải có thiết bị mới 100% trong giấy phép đầu tư là “chìa khóa” giúp công ty này được mua đã qua sử dụng từ một nhà máy tại Châu Âu.

Sản xuất bột giấy, thép, dệt may, nhiệt điện… là các ngành có nguy cơ ô nhiễm, chi phí bảo đảm an toàn môi trường rất cao. Do đó, các nước phát triển có xu hướng thải loại dần, bán nhà máy cũ của các ngành này với giá rất rẻ, thậm chí ngang giá phế liệu hoặc cho không, sang các nước khác.

Hiện, chưa rõ việc mua thiết bị sản xuất bột giấy đã qua sử dụng từ châu Âu có giúp Công ty CP Bột – Giấy VNT19 giảm được tổng mức đầu tư dự án?

Thêm nữa, giai đoạn 2 mở rộng dự án này, đang khiến chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt lo lắng về xả thải. Cụ thể, vị trí xả thải của dự án là tại vịnh Việt Thanh, cách bờ biển chừng 500-1500m. Lo ngại sự cố môi trường “kiểu” Formosa, UBND tỉnh  Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ TNMT xem xét rà soát lại ĐTM dự án này của Vietracimex.

Sẽ không quá lời khi nói nhiều dự án năng lượng, công nghiệp của ông chủ Võ Nhật Thăng khá “gợn” những vấn đề về môi trường, đất đai, tài chính, thiết kế, thi công…

Tài năng của lãnh đạo kín tiếng tại Vietracimex đã thể hiện ở khả năng tạo quan hệ cực tốt với các cơ quan quản lý và chính quyền nhiều địa phương, tới mức muốn dự án nào là có được dự án đó.

Nhưng, việc các dự án liên tục bị bêu tên vì những vi phạm không đáng “dính” phải, lại cho thấy một “chất” rất khác, không sang trọng như mong muốn của “đại gia” chủ Vietracimex muốn khoác lên doanh nghiệp của ông.

Tại Hà Nội, không ít dự án BĐS của Vietracimex đã chậm tiến độ, hay vi phạm quy định đất đai, bị thanh, kiểm tra, nhưng sau đó lại được phê duyệt điều chỉnh theo hướng gia hạn và gia tăng cơ cấu sản phẩm… Đó là dự án KĐT Mới Kim Chung – Di Trạch tại huyện Hoài Đức

Hay tại dự án tại số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, có tên thương mại Hinode City. Tại dự án này, tháng 12.2017, chủ đầu tư mới được phép bán nhà ở trong tương lai. Nhưng chưa đầy một năm sau, dự án bị Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm xác định sai tiền sử dụng đất và chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Hiện dự án đang nợ 143 tỷ tiền thuế sử dụng đất.

Hiện, Vietracimex cũng đang sở hữu một siêu dự án nghỉ dưỡng trị giá gần 3.000 tỷ đồng tại Phú Quốc, nhưng chưa rõ chất lượng, tiến độ thực hiện.

Theo Anh Minh/Thương Gia

>>Vụ Hapulico: Văn bản “cá biệt” của Bộ Xây dựng có trái luật?