QC 1
Thứ 3, ngày 16/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phần hóa DNNN: Nhìn lại những ‘thương vụ’ đình đám tại Bộ Giao thông Vận tải

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) công bố ngày 8/7, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường đã bị đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật.

Công ty vận tải thuỷ gần như “biến mất” sau cổ phần hoá

Trong giai đoạn 2011-2015, trong vai trò Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Hồng Trường còn làm Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp và cổ phần hoá các DN ngành giao thông. Trong hầu hết các “thương vụ” sáp nhập, CPH các đơn vị trong ngành đều có “bóng dáng” của ông Nguyễn Hồng Trường.

Đặc biệt, trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, “ông Nguyễn Hồng Trường phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ GTVT và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công khi để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT”.

Cùng VietnamFinance nhìn lại những thương vụ đáng chú ý nhất.

Nhà đầu tư Vạn Cường và sự “biến mất” của Tổng công ty Vận tải Đường thuỷ

Đơn cử như việc cổ phần hoá tại Tổng công ty Vận tải Đường thuỷ (Vivaso), ngày 19/3/2013, đơn vị này tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán rộng rãi hơn 15 triệu cổ phần nhưng chỉ 550.700 cổ phần bán được với giá 10.000 đồng/cổ phần.

Chỉ 1 tuần sau đó, Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường 1 bất ngờ xin mua toàn bộ hơn 14 triệu cổ phần chưa bán hết. Sau khi nắm giữ 45% số cổ phần (15 triệu cổ phiếu) của Vivaso, Vạn Cường tiếp tục đăng ký mua thêm 20% cổ phần.

Thâu tóm thành công Vivaso với giá bèo bọt nhưng Vạn Cường lại qua đó nắm trong tay quỹ đất rất lớn, lên tới 50ha, gồm các vị trí giá trị lớn như ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), hay các khu nhà xưởng, mặt bằng cũng ở vị trí đẹp như phường Tân Ấp (quận Ba Đình); phố Kim Mã, Láng Hạ, Thanh Xuân, Đội Cấn (Hà Nội)…

Cho đến nay, cả một Tổng công ty vận tải thuỷ to lớn với gần 1.000 cán bộ công nhân viên đã gần như biến mất trên bản đồ vận tải, thay vào đó là vài chục nhân lực quản lý… văn phòng.

Sau đó, Vạn Cường tiếp tục thông qua chính Vivaso đầu tư 32 tỷ đồng để sở hữu 65% vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam, mà mục đích cuối cùng chắc hẳn không phải để vực dậy thương hiệu làm phim lâu đời, mà chính là quỹ đất vàng hàng nghìn mét vuông quanh Hồ Tây.

Rất may, vào tháng 10./017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo thanh tra quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.

Nhà đầu tư Yên Khánh và Cổ phần hoá Cienco1

Một đơn vị khác cũng nổi tiếng không kém trong quá trình CPH tại Bộ GTVT đó là Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1), đơn vị được Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề xuất cổ phần hoá và rất nhanh sau đó, ngày 21/3/2014, Cienco 1 được IPO với 16.183.500 cổ phần và mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần – chiếm 23,12% vốn điều lệ.

8 tháng sau, tức tháng 12/2014, Bộ GTVT tiếp tục thoái toàn bộ 35% vốn nhà nước cho các nhà đầu tư. Đến giữa năm 2015, cổ đông lớn nhất của Cienco1 là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, nắm 35,58%.

Sau đó, công ty này đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, gồm các cổ đông là Đinh Ngọc Liên; Định Thị Hiên và Vũ Thị Hoan. Mẹ ruột bà Hoan cũng là một người họ Đinh khác – bà Đinh Thị Lưu.

Cienco1 và Yên Khánh là 2 trong 3 bên trong liên danh đầu tư vào dự án BOT Việt Trì (Cienco1 nắm 20%; Yên Khánh sở hữu 40%). 40% vốn còn lại thuộc về Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng). Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn hiện là ông Đinh Ngọc Hệ.

Hiện tại sau khi các lãnh đạo Yên Khánh lần lượt bị bắt thì Cienco 1 – cánh chim đầu đàn trong xây dựng cầu, đường của ngành giao thông ngày một thu hẹp lại. Mới đây nhất là hàng chục công nhân đã đến trước cửa công ty đòi nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội 2 năm chưa trả.

“Miếng bánh lớn” ACV

Ngoài những thương vụ cổ phần hoá nêu trên, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng kiến nghị xin được cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong năm 2014 để huy động nguồn lực thực hiện các siêu dự án.

Dự kiến, sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 75% vốn điều lệ của ACV. Với tổng tài sản của công ty mẹ tính đến cuối năm 2013 lên đến trên 30.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ và doanh thu khoảng 8.400 tỷ đồng.

Sau đó, đến ngày 1/4/2016, ACV đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Bất chấp việc cổ phần hoá đã bị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư phản biện những lo ngại về an ninh quốc phòng cũng như quản lý ngân sách nhà nước khi cổ phần hóa.

Mặt khác, trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (trừ sân đỗ) đã được loại ra khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hoá. Đồng nghĩa với việc kể từ ngày 1/4/2016, tài sản kết cấu hạ tầng khu bay (trừ sân đỗ) đã đưa vào giá trị khi cổ phần hóa ACV trong hệ thống tài sản hạ tầng hàng không được bàn giao cho Bộ GTVT.

Ngày 22/1/2019, Thanh tra Bộ Tài chính đã có kết luận thanh tra số 72/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV). Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động, kinh doanh của ACV, kể cả những dấu hiệu ACV đã xóa nợ nhiều tỷ đồng khi chưa xác định được nguyên nhân…

Ông Nguyễn Hồng Trường là ai?
Ông Nguyễn Hồng Trường sinh năm 1957, từng là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Cho đến tháng 4/2007 ông được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Đến năm 2017, ông chính thức nghỉ hưu.
Sau khi nghỉ hưu, vào cuối năm 2017, ông Trường được Ban Chấp hành Hội An toàn giao thông Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam cho đến nay.
Trong thời gian ông Nguyễn Hồng Trường làm Thứ trưởng Bộ GTVT, trưởng ban đổi mới, CPH DN Bộ GTVT (2011 -2015), Bộ này đã hoàn thành cổ phần hoá 137 DN, trong đó có 16 tổng công ty có quy mô lớn, tăng 67 DN so với kế hoạch. Đến hết năm 2015, hoàn thành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 124 DN.
Trong đó, có 12 tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổng số tiền là 1.701 tỷ đồng (chưa bao gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam).

Theo Đức Thọ/VietnamFinance