QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu bất động sản “chiết khấu” quá đà

Cổ phiếu bất động sản liên tục lao dốc, là một trong những tác nhân chính kéo thị trường rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một năm. Được biết, đây là nhóm có “quân số” đông, chiếm tới khoảng 20% vốn hóa thị trường.

Cổ phiếu bất động sản “chiết khấu” quá đà

Liên tiếp những thông tin tiêu cực liên quan đến thị trường bất động sản đã khiến cổ phiếu nhóm ngành này “điêu đứng”, từ vụ đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm đến những vụ xử phạt trên thị trường trái phiếu, thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản…

So với thời điểm đầu năm, các mã cổ phiếu như DIG (CTCP Đầu tư phát triển xây dựng), DXG (Tập đoàn Đất Xanh), HDC (CTCP Phát triển nhà Bà Rịa Vũng Tàu), CII (CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP HCM), LDG (CTCP Đầu tư LDG), CEO (CTCP Tập đoàn CEO), L14 (Licogi 14)… đã giảm khoảng 40-60%, ngay cả khi đã có 2 phiên hồi phục liên tiếp mạnh mẽ (22 và 23/6). Còn nếu tính từ đỉnh, mức giảm còn gây “choáng” hơn khi đã lên đến trên 70%.

Còn nhớ, từ nửa cuối năm 2021 đến tháng 3/2022, nhóm cổ phiếu bất động sản là cái tên nổi trội nhất, liên tục gây được sự chú ý của giới đầu tư.

Thời điểm đó, nhóm “cổ đất” ghi nhận mức tăng trung bình từ 50-200%, một số mã vọt lên tới mức giá không tưởng là 200.000 đồng/cp. Thậm chí, trên sàn chứng khoán, bất cứ mã chứng khoán nào liên quan đến nhóm này, bất chấp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ cũng trở thành “hàng ngon” được các nhà đầu tư tranh mua bằng mọi giá.

Đáng chú ý, nhiều mã đã bật cao dù thị giá trước đó chỉ ngang cốc trà đá. Một số doanh nghiệp ít được chú ý, giao dịch dưới 10.000 đồng/cp cũng lần đầu trở lại mệnh giá sau nhiều năm.

Điển hình, cổ phiếu CEO đã tăng “bằng lần” từ vùng chỉ quanh 9.000 đồng/cp (9/2021) lên vùng đỉnh trên 72.000 đồng/cp (24/3/2022). Sau đó, cổ phiếu này cũng liên tục giảm, đặc biệt sau những tin tức tiêu cực liên quan đến một số doanh nghiệp bất động sản. Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (24/6), CEO đã giảm khoảng 63% từ đỉnh, về mức 26.700 đồng/cp.

Tương tự, cổ phiếu DIG cũng chứng kiến đà tăng “phi mã” khi khởi đầu từ vùng giá 30.000 đồng/cp (10/2021) lên mức trên 106.000 đồng/cp (23/3/2022). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, cổ phiếu này liên tục điều chỉnh giảm và chốt phiên giao dịch 24/6 ở mức 35.050 đồng/cp, tức là giảm gần 67%.

Hay như cổ phiếu L14 cũng từng vươn lên trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất toàn sàn chứng khoán. Thế nhưng đến hiện tại, thị giá chỉ còn lại 1/3.

Những ví dụ nêu trên cũng là cảnh ngộ chung của hàng loạt cổ phiếu bất động sản khác như NHA (Phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội), NBB (CTCP Năm Bảy Bảy), UDC (CTCP xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), CIG (COMA 18)…

Lý giải về nguyên nhân giảm điểm của nhóm cổ phiếu này, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính cho rằng, bắt nguồn từ việc cổ phiếu bất động sản có tỷ lệ vay “margin” khá lớn, chỉ sau ngân hàng. Do vậy, khi có những cơn giải chấp xảy ra thì nhóm này bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bên cạnh đó, bản thân trong nhóm bất động sản có rất nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ. Cổ phiếu đầu cơ là cổ phiếu có giá cao hơn quá nhiều so với giá trị thực, không chỉ những công ty làm ăn bết bát nhưng giá cổ phiếu cao, mà còn bao gồm cả những công ty tốt nhưng giá cổ phiếu ở vùng quá cao so với giá trị thực…

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-bat-dong-san-chiet-khau-qua-da-137819.html