QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu của BIDV giảm mạnh sau Tết, vốn hóa thị trường “bốc hơi” hơn 40.000 tỷ đồng

Cuối năm 2019, tổng nợ xấu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ở mức 19.452 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm.    

Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch cuối tuần 28/2/2020, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dừng ở mức 45.500 đồng, giảm 3,4%, tức giảm 1.600 đồng/cổ phiếu.

Sau kỳ nghỉ Tế Nguyên đán Canh Tý đến nay (30/1-28/2), cổ phiếu BIDV đã giảm khoảng 18%, tương đương mỗi cổ phiếu mất 10.000 đồng. Với hơn 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường BIDV bị “cuốn bay” khoảng hơn 40.000 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu BID từ đầu năm 2020 tới nay. Nguồn: vietstock

Báo cáo tài chính cho thấy, đến 31/12/2019, tổng tài sản BIDV đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2018, là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế BIDV đạt 10.876 tỷ đồng, tăng 15,8% và vượt 5,6% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.665 tỷ đồng, tăng 15,8%.

Đáng chú ý, tính đến cuối 2019, tổng nợ xấu của BIDV ở mức 19.452 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 11.209 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cùng giảm 29%, lần lượt là 3.849 tỷ đồng và 4.392 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, BIDV bán hàng loạt tài sản đảm bảo thu hồi nợ. Gấp rút phát mại các tài sản như 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), Tòa nhà Dầu khí giữa PVIT và PVFC Thanh Hóa… Trong đó, lớn nhất là khoản nợ gần 1.300 tỷ của Vinaxuki. Theo BIDV, tính đến 15/9/2019, quy mô khoản nợ này là hơn 1.265 tỷ đồng.

Tăng vốn thêm 13,3% qua phát hành thêm cổ phiếu

Trong 2020, BIDV cũng sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.329 tỷ đồng (tương ứng tăng 13,3%) lên 45.549 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ thông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành hơn 281,5 triệu cổ phiếu để trả toàn bộ cổ tức năm 2019, tương đương với mức chi trả là 7% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 7 cổ phiếu phát hành thêm). Thời gian phát hành dự kiến là trong quí III – IV/2020, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Lượng cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Về việc chào bán thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, BIDV dự kiến tỷ lệ phát hành là 6,25% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2019 và quy mô tối đa 6% vốn điều lệ sau khi phát hành.

Ngân hàng cho biết, dự kiến 5.329 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm sẽ bổ sung vốn kinh doanh trong hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và nâng cao chất lượng mạng lưới kinh doanh.


Nguồn: bidv.com.vn
Vào ngày 24/1/2014, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức giao dịch trên Sở GDCK Tp. Hồ Chí Minh (HOSE). Với mức giá chào sàn là 18.700 đồng/cp.Ngân hàng này đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng thành công từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, do thời điểm và điều kiện thị trường chưa thuận lợi mà ngân hàng này đã lỡ hẹn chào sàn nhiều lần.Hiện tại, theo cơ cấu sở hữu tại BIDV thì cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 3.257.324.161 cổ phiếu đang nắm giữ (tương ứng tỉ lệ 80,99%). Sở hữu nước ngoài chiếm 17,99%, sở hữu khác chiếm 1,03%.

Theo Phương Thảo/Thời báo Chứng khoán

Nguồn: https://tbck.vn/co-phieu-cua-bidv-giam-manh-sau-tet-von-hoa-thi-truong-boc-hoi-hon-40000-ty-dong-60867.html