QC 1
Chủ nhật, ngày 03/11/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu dệt may đứng trước cơ hội lớn

Sắc xanh, tím của cổ phiếu dệt may trên thị trường chứng khoán xuất hiện giữa bối cảnh đối thủ cạnh tranh chủ chốt của ngành dệt may Việt Nam là Bangladesh đang gặp nhiều vấn đề an ninh trong nước.

Phiên giao dịch sáng ngày 08/08, trong bối cảnh các chỉ số chính của thị trường gần như đi ngang, cổ phiếu dệt may lại đồng loạt tăng ấn tượng. Các mã nổi bật đầu ngành như VGT, TCM, TNG, MSH đều bật cao. Riêng MSH của May Sông Hồng kịp cán đích tại mức giá trần vào thời điểm tạm dừng phiên sáng.

Đà tăng giá lan tỏa từ nhóm vốn hóa lớn ngành dệt may sang đến cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn. Trong đó, nổi bật VGG tăng gần 6%, ADS có lúc kịch trần, SGI tăng gần 5%.

Sự hưng phấn của nhóm dệt may hôm nay thậm chí còn phá vỡ cả trạng thái ảm đạm gần đây của cổ phiếu STK – Công ty CP Sợi Thế Kỷ. Được biết, thị giá cổ phiếu này lao dốc liên tục từ ngày 19/07 đến trước phiên sáng nay, sau khi doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh với khoản lỗ lớn kỷ lục trong quý 2/2024.

Cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng ấn tượng phiên sáng 8/8

Sắc xanh, tím của cổ phiếu dệt may trên thị trường chứng khoán xuất hiện giữa bối cảnh đối thủ cạnh tranh chủ chốt của ngành dệt may Việt Nam là Bangladesh đang gặp nhiều vấn đề an ninh trong nước.

Cụ thể, giữa bối cảnh bạo lực lan rộng tại Bangladesh, ngành công nghiệp may mặc – trụ cột kinh tế của quốc gia Nam Á này – đang chìm trong khủng hoảng. Ngày 05/08, Hiệp hội Các nhà sản xuất và Xuất khẩu May mặc Bangladesh (BGMEA) đã yêu cầu tất cả chủ nhà máy đóng cửa các cơ sở sản xuất đến khi có thông báo mới.

Bangladesh là một trong số các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam. Đây là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Với lợi thế lực lượng lao động rất lớn, mức lương rẻ, Bangladesh cũng nổi lên như một quốc gia đầu tư mạnh cho sản xuất xanh, với các nhà máy đạt tiêu chuẩn bền vững.

Hiện tại, Bangladesh đã vượt qua Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 Thế giới với giá trị hơn 50 tỷ USD trong năm 2023, trong khi giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam xếp sau với khoảng 40 tỷ USD.

Là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam, với tình hình trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá rằng sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam khi ngành dệt may Bangladesh gặp khó khăn bởi 3 lý do chính:

Thứ nhất, tạm thời năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút (giữa mùa Hot, đang sản xuất hàng cho mùa đông). Nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.

Thứ hai, niềm tin của khách hàng dối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút,

Thứ ba, sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh. Như vậy lợi thế về cho phí nhân công của Bangladesh sẽ bị giảm sút.

Thực tế, thị trường dệt may Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc hơn.

Thị trường dệt may Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc hơn

Tính chung xuất khẩu toàn ngành dệt may 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng là dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỷ USD; Bangladesh chỉ tăng 3,9%, đạt 21,7 tỷ USD (Bangladesh tháng 5/2024 suy giảm mạnh 16%).

Trong một chia sẻ gần đây, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định: “Sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện, mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi Việt Nam đồng (VND) mất giá 5% so với đồng đô la Mỹ (USD) kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD”.

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng khoán