QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu DPM và DCM phản ứng thế nào trước đề xuất của EVN?

Thị giá chốt phiên ngày hôm nay của cổ phiếu DPM với mức 31.300 đồng/cổ phiếu chỉ còn cao hơn khoảng 6% so với mức đáy hồi tháng 11/2022…

Thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị PVN, Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM) hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô là tháng 5 và tháng 6 đã tác động lên thị giá cổ phiếu DPM và DCM.

Gần về mức đáy

Kết phiên giao dịch ngày 22/5/2023, thị giá cổ phiếu DPM dừng ở mức 31.30 điểm, tương đương giảm 2,6% so với phiên ngày hôm qua. Cổ phiếu DPM sau khi hồi phục 30% vào tháng 1/2023 kể từ mức đáy giữa tháng 11/2022, cổ phiếu này lại chứng kiến một nhịp điều chỉnh khá dài. 

Thị giá chốt phiên ngày hôm nay với mức 31.300 đồng/cổ phiếu chỉ còn cao hơn khoảng 6% so với mức đáy hồi tháng 11/2022. Nếu tính từ mức đỉnh hồi tháng 4 năm ngoái là 61.800 đồng/cổ phiếu, DPM đã mất đi một nửa giá trị, tương đương vốn hoá cũng “bốc hơi” khoảng 12.000 tỷ đồng.

Với cổ phiếu DCM, kết phiên giao dịch ngày 22/5/2023 cổ phiếu DCM dừng ở mức 23.500 đồng/cổ phiếu, giảm 0,21% so với phiên hôm qua. Có thể thấy, cổ phiếu DCM lao dốc một mạch kể từ tháng 9/2022 xuống giao dịch quanh vùng đáy 20 tháng. Với giá kết phiên ngày hôm nay là 23.500 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu này tương ứng giảm 40% so với hồi tháng 8/2022.

Diễn biến cổ phiểu DCM và DPM thời gian qua

Đề xuất của EVN xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5 trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 1/2023 của 2 “ông lớn” này sụt giảm rất mạnh.

Như Thương Gia đã đưa tin, Tổng Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) đạt mức doanh thu thuần gần 3.265 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi khấu trừ các chi phí, DPM lãi trước thuế 301 tỷ đồng, lãi sau thuế 262 tỷ đồng, giảm 88% so với mức lãi kỷ lục của cùng kỳ năm 2022. Theo ghi nhận, đây là mức lãi thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Năm 2023, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ. So với kết quả đột biến năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm 13% về doanh thu và giảm 60% về lợi nhuận.Quảng cáo

Còn Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) ghi nhận doanh thu đạt 2.819 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. DCM cũng báo lãi sau thuế quý 1/2023 giảm mạnh 85% so với cùng kỳ 2022, mức lãi thấp nhất trong vòng 8 quý, kể từ quý 1/2021.

Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu bán hàng của công ty mẹ giảm hơn 34% do giá bán phân bón giảm mạnh. Cụ thể, giá bán bình quân sản phẩm Ure quý 1/2023 giảm hơn 32% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn và chi phí bán hàng tăng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp.

Tương tự Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau cũng lên kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2023 với các chỉ tiêu kinh doanh sụt giảm mạnh. Theo đó, công ty này đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 13.459 tỷ đồng, giảm 18% và lợi nhuận trước thuế 1.461 tỷ đồng, giảm 68% so với thực hiện năm trước.

Có thể thấy, giá điện và giá khí là chi phí nhiên liệu đầu vào trong sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất phân Urê. Cho nên, một khi giá điện và giá khí tăng sẽ kéo chi phí sản xuất tăng theo, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Chỉ giúp 1% cho hệ thống điện quốc gia

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phản hồi về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị PVN, Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ nhường khí cho sản xuất điện. PVN cũng đưa ra đánh giá nhu cầu về khí thiên nhiên cho sản xuất điện là rất cần thiết, đặc biệt trong các tháng mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.

Tuy nhiên, để duy trì cung cấp khí thiên nhiên dài hạn cho sản xuất điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các cơ quan cần xem xét, ban hành cơ chế phát triển nguồn điện chạy nền ổn định, an toàn cho hệ thống.

PVN cho biết, đối với các nhà máy đạm tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sử dụng nguồn khí thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (không có nguyên liệu thay thế) kể từ năm 2006 đến nay, nhu cầu tiêu thụ khí luôn duy trì ổn định ở mức khoảng 1,1 tỷ m3 khí mỗi năm cho 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của đất nước. 

Việc lập kế hoạch cho nhu cầu sử dụng khí cũng như kế hoạch về bảo dưỡng, bảo trì các nhà máy đạm để tối ưu nguồn cung cấp khí được các bên phối hợp thực hiện và thống nhất tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của các hợp đồng mua bán khí có cam kết dài hạn. 

Ngoài ra, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên các hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh như dừng, giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông trước khi thực hiện. Việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh

“Bên cạnh đó, việc dừng hay giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (chỉ gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia”, phía PVN khẳng định. 

Theo Như Mây/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/co-phieu-dpm-va-dcm-phan-ung-the-nao-truoc-de-xuat-cua-evn-57395.htm