QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/4): VIB, MIG và VHM

VCSC cho rằng mảng thẻ dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ thu nhập từ phí trong thời gian tới cho VIB. Theo đó, số lượng thẻ có hiệu lực của VIB tăng 48% trong năm 2022 và tổng chi tiêu qua thẻ tăng 88%. Ngoài ra, VIB có thị phần thuộc top 3 (12%) về chi tiêu thẻ vào năm 2022 và đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách với 2 đối thủ dẫn đầu vào năm 2023.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (11/4): VIB, MIG và VHM
VIB: VCSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 27.500 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), chiến lược tập trung vào bán lẻ giúp hạn chế tác động tiêu cực tiềm ẩn từ rủi ro liên quan tới thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đối với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB). Tính đến năm 2022, cho vay bán lẻ chiếm 90% dư nợ cho vay của VIB và trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 1% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng.

Trong khi đó, các khoản cho vay thế chấp chiếm khoảng 47% danh mục cho vay tính đến năm 2022. VIB cho biết ngân hàng chỉ cho vay đối với các dự án đã hoàn thành đủ điều kiện và nhà ở đã có sổ hồng, sổ đỏ. VIB cũng thận trọng trong việc định giá tài sản thế chấp. Vì vậy, kể cả khi giá thị trường bất động sản giảm 30%-40% thì ngân hàng vẫn kiểm soát được rủi ro.

Tuy nhiên, VCSC cho rằng những khó khăn hiện tại trên thị trường bất động sản và môi trường lãi suất cao hiện nay có thể tạo ra tác động tiêu cực đến việc hình thành nợ xấu của VIB.

VCSC cho rằng mảng thẻ dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ thu nhập từ phí trong thời gian tới cho VIB. Theo đó, số lượng thẻ có hiệu lực của VIB tăng 48% trong năm 2022 và tổng chi tiêu qua thẻ tăng 88%. Ngoài ra, VIB có thị phần thuộc top 3 (12%) về chi tiêu thẻ vào năm 2022 và đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách với 2 đối thủ dẫn đầu vào năm 2023.

VIB cũng là ngân hàng Việt Nam thứ hai (sau VCB) được chọn làm đối tác của American Express. VCSC tin rằng hoạt động hiệu quả của VIB trong mảng thẻ sẽ không chỉ giúp tăng thu nhập từ phí mà còn hỗ trợ NIM của ngân hàng do cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng là mảng cho vay có lợi suất cao.

VCSC giữ nguyên giả định về việc VIB sẽ tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trong 4 năm tới. LLR năm 2022 của VIB là 53,9%, mức thấp nhất trong danh mục theo dõi của VCSC. Mặc dù ngân hàng cho thấy sự tự tin trong quản lý rủi ro của danh mục cho vay và định giá tài sản thế chấp, VCSC cho rằng mức LLR hiện nay là thấp so với LLR trung bình là 106,9% của các ngân hàng tập trung vào bán lẻ như ACB, TPB, VPB và HDB. Do đó, VCSC tăng dần tỷ lệ LLR lên khoảng 77% vào năm 2027.

VCSC tăng giá mục tiêu VIB thêm 6,2% lên 27.500 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua. Giá mục tiêu cao hơn của VCSC chủ yếu do tăng 5,7% dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2023- 2027 của VCSC, bù đắp cho mức tăng giả định chi phí vốn chủ sở hữu của VCSC đối với VIB từ 15,20% lên 15,56%.

Dự báo lợi nhuận cao hơn của VCSC chủ yếu đến từ dự báo thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng 4,8% và dự báo tổng chi phí dự phòng giảm 13,9%.  

VIB hiện đang giao dịch với P/B năm 2023 là 1,1 lần so với mức trung bình của các ngân hàng khác là 1,01 lần với ROE năm 2023 là 26,8% so với mức ROE trung bình của các ngân hàng khác là 19,8%, theo dự báo của Bloomberg.

MIG: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 19.500 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MIG với giá mục tiêu là 19.500 đồng/cổ phiếu dựa trên P/B năm 2023 là 1,5 lần. Với vị thế là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn thứ 5 cùng sự hậu thuẫn của Ngân hàng Quân đội (MB) và Viettel, MIG sẽ nắm bắt tốt đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bảo hiểm Việt Nam trong những năm tới.

VNDirect kì vọng MIG sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận kép khoảng 21% trong 3 năm tới, và qua đó cải thiện ROE lên khoảng 11-12%.

Trong 3 năm qua, MIG đã tăng 2,9% thị phần dựa trên phí bảo hiểm gốc – mức tăng cao nhất trong một ngành có tính cạnh tranh cao với hơn 30 doanh nghiệp tham gia kinh doanh – qua đó, vươn từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 5.

Việc tăng mạnh thị phần đã giúp tăng trưởng kép phí bảo hiểm gốc của MIG chạm mức 28%, cao hơn đáng kể so với trung bình ngành chỉ ở mức 9%. VNDirect tin rằng khả năng tận dụng hệ sinh thái MB và Viettel kết hợp với việc tập trung phát triển kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) sẽ hỗ trợ MIG tiếp tục mở rộng thị phần và gia tăng mạnh doanh thu trong tương lai.

Khác với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn đầu tư phần lớn danh mục vào tiền gửi ngân hàng vốn mang tính an toàn cao, MIG áp dụng một chiến lược đầu tư linh hoạt hơn. Cụ thể, MIG dành một phần đáng kể của danh mục để đầu tư vào các loại tài sản khác như trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu nhằm mục đích tối ưu hóa lợi suất đầu tư.

Mặc dù chiến lược này đồng nghĩa với việc rủi ro đầu tư sẽ cao hơn, nhưng ACBS tin rằng trong dài hạn, định hướng này sẽ giúp MIG đạt được lợi suất đầu tư vượt trội hơn so với trung bình ngành. Trong năm 2023, với việc lãi suất đã quay trở lại mức cao và thị trường chứng khoán đang dần phục hồi thì hiệu quả đầu tư của MIG chắc chắn sẽ được cải thiện.

MIG đang giao dịch ở mức P/B 1,4 lần, thấp hơn so với mức trung bình 3 năm là 1,6 lần. VNDirect cho rằng đây là một định giá hấp dẫn với một doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm năng tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ nhưng lại mang tính phòng thủ trong môi trường lãi suất cao. Tiềm năng tăng giá bao gồm tỷ lệ kết hợp thấp hơn dự kiến, thị trường chứng khoán tăng mạnh. Rủi ro giảm giá bao gồm tổn thất mang tính thảm hoạ, chi phí dự phòng cao hơn dự kiến cho các khoản đầu tư.

VHM: ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 70.431 đồng/cổ phiếu

Kết quả kinh doanh năm 2022 của Công ty Cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM) suy giảm với doanh thu thuần đạt 62.393 tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 29.162 tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ) tương đương 89% và 99% dự phóng của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS).

Doanh thu thấp hơn dự phóng là do sự khác biệt trong phương pháp kế toán để ghi nhận các giao dịch bán sỉ (cụ thể là ACBS dự phóng một số giao dịch bán sỉ là chuyển nhượng một phần dự án và ghi nhận vào doanh thu và giá vốn thay vì là bán cổ phần và ghi nhận vào doanh thu tài chính), tuy nhiên không có sự khác biệt về dự phóng lợi nhuận thực hiện.

Nếu gộp chung các dự án BCC và các giao dịch bán sỉ thì doanh thu điều chỉnh sẽ là 81.400 tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ). Kết quả sụt giảm trong năm 2022 so với năm trước chủ yếu là do doanh số bán sỉ thấp hơn và thuế suất thực tế cao hơn (24,5% so với 19,2%).

ACBS dự phóng doanh thu 2023 gần 88.000 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế hơn 31.000 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ) dựa trên giả định khoảng 70% doanh thu bán hàng chưa ghi nhận tính đến cuối 2022 là 107.600 tỷ đồng sẽ được hạch toán trong năm 2023 chủ yếu từ các dự án Vinhomes Ocean Park 2, Ocean Park 3, Ocean Park 1, Smart City và Grand Park…

ACBS giả định hầu hết các giao dịch bán sỉ được ghi nhận vào doanh thu và giá vốn thay vì vào doanh thu tài chính. Thuế suất dự kiến sẽ duy trì ở mức 24,5%, tương đương năm 2022.

Thị trường bất động sản bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ thanh tra đấu thầu đất đai, các vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất cao và tín dụng thắt chặt đối với cả chủ đầu tư và người mua nhà. Những yếu tố này dẫn đến sự chậm trễ trong việc giới thiệu và bàn giao dự án, cản trở việc mở rộng quỹ đất và doanh số bán lẻ chậm lại.

Tuy nhiên, chính phủ đã đưa ra những biện pháp hỗ trợ để phục hồi một trong những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế thông qua việc giảm lãi suất huy động, phê duyệt gói hỗ trợ dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân 120.000 tỷ đồng, đề xuất sửa đổi Thông tư số 16 về chào bán và mua lại trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng và ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP về bổ sung sửa đổi một số điều trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai như cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất tại các dự án bất động sản không phải nhà ở và đẩy nhanh quá trình tính tiền sử dụng đất, thời gian giao đất,…

Do đó, ACBS kỳ vọng thị trường BĐS sẽ bớt khó khăn hơn trong các quý tới và các chủ đầu tư sẽ tự tin hơn khi mở bán các dự án.

ACBS cho rằng Vinhomes sẽ đứng vững trong giai đoạn thử thách này và triển vọng dài hạn vẫn khả quan nhờ quỹ đất rộng 178 triệu m2, sức khỏe tài chính lành mạnh (tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu giảm từ 66,5% xuống 12,9% trong giai đoạn 2016-2022), khả năng huy động vốn tốt và vị thế dẫn đầu (thị phần căn hộ đạt 26% và nhà liền thổ đạt 33% giai đoạn 2016-2022).

Sử dụng phương pháp NAV, ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu là 70.431 đồng/cổ phiếu, giảm 23% so với báo cáo cập nhật tháng 8/2022 do tăng suất chiết khấu, giảm dự phóng bán hàng và dời thời gian triển khai các dự án mới. Giá cổ phiếu hiện tại khá hấp dẫn với P/E năm 2023 là 7,2 lần và P/B năm 2023 là 1,3 lần, tương đối thấp đối với một công ty đầu ngành.

Theo Hải Đường/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/co-phieu-khuyen-nghi-hom-nay-114-vib-mig-va-vhm-20180504224282956.htm