QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/4): HPG, VHC và DGW

Kết hợp 2 yếu tố: thị trường Mỹ phục hồi từ đáy và các đơn đặt hàng phục hồi từ thị trường Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại, VDSC dự đoán rằng sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận của VHC sẽ rơi vào nửa cuối năm 2023.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/4): HPG, VHC và DGW
HPG: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 19.800 đồng/cổ phiếu

Trong quý I/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) ghi nhận lợi nhuận dương trở lại với mức 383 tỷ đồng. Phần lớn sự phục hồi lợi nhuận diễn ra trong tháng 3, nhờ giá thép tăng 3 – 10% so với tháng trước và sản lượng tiêu thụ tăng 5% so với tháng trước.

Mặt khác, công suất hoạt động lò cao của HPG tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục 65% từ 70% trong quý IV/2022 và 100% trong quý I/2022. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong quý I/2023 đạt 869 nghìn tấn, giảm 35% so với cùng kỳ do mức nền cao trong quý I/2022 (đây là quý có sản lượng cao nhất từ trước đến nay), nhưng phục hồi 6% so với quý trước. Sản lượng tiêu thụ của sản phẩm khác, bao gồm HRC, thép ống, tôn mạ và phôi thép cũng giảm từ 27 – 59% so với cùng kỳ.

Trong 1-2 quý tới, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng nhu cầu thép trong nước tiếp tục suy yếu do tác động của sự chững lại của thị trường bất động sản và nền kinh tế vĩ mô. Mặt khác, HRC được hỗ trợ tốt nhờ nhu cầu xuất khẩu phục hồi. Tuy nhiên, việc giá thép trong khu vực điều chỉnh 10%- 15% gần đây từ mức đỉnh vào tháng 3 sẽ gây áp lực lên giá trong nước và tỷ suất lợi nhuận của HPG trong ngắn hạn.

SSI điều chỉnh nhẹ dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 lần lượt từ 121 nghìn tỷ đồng và 9,7 nghìn tỷ đồng xuống 114,5 nghìn tỷ đồng (giảm 19,8% so với cùng kỳ) và 9,3 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ), chủ yếu do giảm dự báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng từ 4,1 triệu tấn xuống 3,8 triệu tấn (giảm 11,2% so với cùng kỳ), và phôi thép từ 240 nghìn tấn xuống 160 nghìn tấn (giảm 44% so với cùng kỳ).

Đồng thời, SSI duy trì dự báo sản lượng tiêu thụ đối với HRC, thép ống và tôn mạ ở mức lần lượt là 2,3 triệu tấn (giảm 12,3% so với cùng kỳ), 717 nghìn tấn (giảm 1% so với cùng kỳ) và 319 nghìn tấn (giảm 3% so với cùng kỳ). SSI giả định rằng giá bán trung bình của thép xây dựng và HRC sẽ giảm lần lượt giảm 4% và giảm 16% so với cùng kỳ, so với mức giảm lần lượt giảm 5% và giảm 35% so với cùng kỳ của giá quặng sắt và giá than.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty dự kiến cải thiện từ 11,9% năm 2022 lên 14,5% năm 2023 chủ yếu nhờ mảng thép xây dựng do giá bán trung bình giảm ít hơn so với giá than, trong khi tỷ suất lợi nhuận HRC có thể tương đối ổn định trong năm 2023 so với 2022.

Cổ phiếu HPG đang giao dịch với PE và EV/EBITDA dự phóng năm 2023 lần lượt là 13,7 lần và 6,7 lần. SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu với giá mục tiêu 1 năm là 19.800 đồng/cổ phiếu (từ 20.000 đồng/cổ phiếu) dựa trên PE và EV/EBITDA mục tiêu không đổi lần lượt là 11 lần và 6,5 lần.

SSI kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi tích cực hơn vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Tuy nhiên, giá thép trong khu vực điều chỉnh trong thời gian gần đây có thể sẽ gây áp lực giảm giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

VHC: VDSC khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 57.500 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) báo cáo kết quả quý I/2023 yếu kém, với doanh thu 2,2 nghìn tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm doanh thu chủ yếu là do doanh số bán phi lê cá tra đông lạnh và các sản phẩm khác giảm 32% so với cùng kỳ, cũng như doanh số C&G giảm 19% so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính trong quý I/2023, sản lượng xuất khẩu và giá xuất khẩu phi lê giảm lần lượt 12% và 19% so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ là nhân tố chính khiến doanh thu của VHC sụt giảm do nhu cầu đột ngột suy yếu sau một giai đoạn tăng dự trữ ồ ạt.

Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm 6,5 điểm % so với cùng kỳ xuống còn 17,3% trong quý I/2023 do giá bán giảm trong khi giá nguyên liệu vẫn ở mức cao. Do đó, lợi nhuận ròng giảm 60% so với cùng kỳ trong quý I/2023 xuống còn 219 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả quý I/2023 khá yếu, VDSC lưu ý rằng xuất khẩu của VHC đã cải thiện 36% trong tháng 3/2023 so với tháng trước. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 393 tỷ đồng, tăng 99% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 77% so với tháng trước đạt 124 tỷ đồng.

Ngoài ra, giá bán trung bình đã tăng lên 3,7 USD/kg vào tháng 3/2023 so với 3,2 USD/kg trong hai tháng đầu năm 2023, mặc dù giảm 14% so với cùng kỳ.

VDSC giả định giá bán bình quân phi lê (ASP) năm 2023 sẽ là 3,36 USD/kg, giảm 19% so với cùng kỳ. Trong đó, Mỹ và EU là hai thị trường có giá giảm mạnh từ nền lạm phát giá lương thực cao vào năm 2022.

Thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ có giá bán trung bình đi ngang trên nền tăng trưởng giá thấp vào năm 2022. VDSC kỳ vọng sự phục hồi của thị trường Trung Quốc chủ yếu về lượng, trong khi giá bán khó có khả năng phục hồi mạnh do giá chuẩn toàn thị trường đang ở mức thấp.

Về sản lượng xuất khẩu phi lê, VDSC dự báo sẽ giảm 10% so với cùng kỳ trong năm 2023, đạt 79 nghìn tấn. VDSC dự đoán rằng sẽ có mức tăng trưởng hàng năm về khối lượng lần lượt là -20%, 20% và 40% đối với Mỹ, EU & Anh và Trung Quốc. Mặc dù sản lượng đã giảm đáng kể so với mức cao ở Mỹ, VDSC dự đoán rằng xuất khẩu sang EU và Anh sẽ tiếp tục tăng do thiếu hụt cá thịt trắng do các biện pháp trừng phạt nhập khẩu từ Nga, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu thay thế đối với cá tra Việt Nam.

Trung Quốc tuy chưa có sự hồi phục rõ rệt trong 2 tháng đầu năm của công ty nhưng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng cho VHC trong các quý còn lại của năm 2023. Đây là chiến lược mà VHC theo đuổi trong năm 2019, cũng là giai đoạn tương tự đến bối cảnh ngành hiện tại, để bù đắp cho sự sụt giảm tại thị trường Mỹ.

Về tỷ suất lợi nhuận gộp, VDSC dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm 350 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 19,0% vào năm 2023. Tỷ suất lợi nhuận gộp không bao gồm C&G ở mức 15,8%, giảm 480 điểm cơ bản so với cùng kỳ và 140 điểm cơ bản so với năm 2021 do giá bán giảm, trong khi giá nguyên liệu vẫn ở mức cao.

Thị trường Mỹ với giá bán cao nên tỷ suất lợi nhuận gộp của thị trường này cao gấp khoảng 2 lần so với thị trường Trung Quốc. Do đó, ngay cả khi sản lượng xuất khẩu phục hồi từ Trung Quốc, giá bán và tỷ suất lợi nhuận gộp của VHC vẫn sẽ chịu áp lực giảm lớn trong năm nay.

Như đã đề cập, VDSC cho rằng sự hồi phục trong kết quả kinh doanh của VHC sẽ kéo theo sự hồi phục của các đơn hàng từ thị trường Mỹ. Mặc dù bán lẻ thủy sản tại thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng âm nhưng đã dần phục hồi từ mức thấp của nửa cuối năm 2022. Đáng chú ý, mặt hàng cá thịt trắng (cá da trơn, cá tuyết, cá rô phi) có sự phục hồi tốt hơn so với các mặt hàng khác do giá cả hợp lý trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng tiêu dùng.

Ngoài ra, VDSC ước tính lượng cá tra tồn kho cao tại các nhà bán lẻ Mỹ trong nửa đầu năm 2022 sẽ mất 2-3 quý để tiêu thụ hết. Vì lượng hàng tồn kho này rất có thể đã cạn kiệt dần nên rất có khả năng nhu cầu nhập khẩu mới sẽ quay trở lại từ quý III/2023.

Kết hợp 2 yếu tố thị trường Mỹ phục hồi từ đáy và các đơn đặt hàng phục hồi từ thị trường Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại, VDSC dự đoán rằng sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận của VHC sẽ rơi vào nửa cuối năm 2023.

Nhìn chung, trong năm 2023, VDSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHC lần lượt đạt 10,6 nghìn tỷ đồng (giảm 20% so với cùng kỳ) và 1,3 nghìn tỷ đồng (giảm 34% so với cùng kỳ). EPS 2023 là 7.134 đồng (giảm 34% so với cùng kỳ).

Sử dụng phương pháp định giá kết hợp giữa FCFF và SoTP theo tỷ lệ 50:50, VDSC đưa ra giá trị hợp lý là 57.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tỷ suất sinh lợi kỳ vọng là tăng 1% bao gồm tỷ suất cổ tức bằng tiền mặt là 4%. VDSC khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu này.

DGW: BVSC khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 36.967 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Thế giới số (HoSE: DGW) đã được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, với mục tiêu lợi nhuận ròng giảm mạnh 43% so với mức thực hiện năm 2022, xuống mức 400 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu thuần đạt 20 nghìn tỷ đồng (-giảm 3% so với mức thực hiện năm 2022).

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) hiểu rằng DGW đang giả định biên lợi nhuận ròng 2023 của công ty sẽ giảm đáng kể 110 điểm cơ bản xuống 2% so với 3,1% trong năm 2022, khả năng là do chi phí tăng cao nhằm kích thích nhu cầu và hỗ trợ khách hàng.

Cổ đông cũng thông qua chính sách cổ tức tiền mặt cho 2022 là 1.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ chi trả là 24,4% và suất cổ tức là 3% so với mức giá hiện tại

DGW báo cáo lợi nhuận ròng quý I/2023 thấp, giảm 62,6% so với cùng kỳ còn 79 tỷ đồng, thấp hơn so với ước tính của BVSC là 128,3 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu thuần giảm 43,5% so với cùng kỳ xuống còn 3.960 tỷ đồng, khá sát với ước tính của BVSC là 4.099 tỷ đồng.

Cụ thể, biên lợi nhuận gộp trong quý I/2023 ở mức lành mạnh là 6,6% (so với 6,7% trong quý I/2022), bị ảnh hưởng bởi việc OpEx tăng vọt lên 3,9% doanh thu thuần, nhằm kích thích nhu cầu và hỗ trợ khách hàng trong môi trường bán hàng đang chậm lại.

Do đó, biên lợi nhuận hoạt động trong giảm xuống còn 2,7%, trong khi biên lợi nhuận ròng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều quý ở mức 2% do chi phí tài chính ròng gia tăng.

BVSC chia sẻ quan điểm tương tự với ban lãnh đạo, kỳ vọng nhu cầu sẽ cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm 2023, trước khi phục hồi có ý nghĩa từ năm 2024. Quan điểm của BVSC dựa trên việc cải thiện rõ ràng hơn từ vĩ mô của Việt Nam; nhu cầu thay thế từ người tiêu dùng trong giai đoạn dồn nén 2021-2022; và đóng góp đầy đủ hơn từ việc phân phối các thương hiệu mới, bao gồm: Westinghouse (sản phẩm đồ gia dụng từ Mỹ) và Lotte Chilsung (đồ uống của Hàn Quốc).

Dự báo mới của BVSC cho thấy lợi nhuận ròng của DGW sẽ giảm 34,7% so với cùng kỳ trong năm 2023, phục hồi 29,4% trong năm 2024 và tăng trưởng 23,5% trong năm 2025.

Do triển vọng nhu cầu yếu hơn dự kiến, BVSC điều chỉnh giảm đáng kể dự báo lợi nhuận ròng 2023-2025 cho DGW, giảm trung bình 29,6%. BVSC điều chỉnh giảm dự báo do giả định doanh thu giảm, đặc biệt là doanh thu điện thoại di động và laptop, vốn là hàng không thiết yếu và có thể mất nhiều thời gian để phục hồi rõ rệt; và giả định biên lợi nhuận giảm do chia sẻ khó khăn với người dùng cuối và kích cầu.

BVSC điều chỉnh giảm 26,1% giá mục tiêu cho DGW theo phương pháp DCF xuống 36.967 đồng/cổ phiếu (so với 50.000 đồng/cổ phiếu trước đây), do việc chuyển cơ sở định giá sang giữa 2024 phần nào bù đắp mức giảm 29,6% trong dự báo kết quả kinh doanh giai đoạn 2023-2025.

Ở giá mục tiêu mới, BVSC định giá DGW ở mức P/E hợp lý là 12 lần (đến giữa năm 2024). BVSC hạ khuyến nghị cho DGW xuống trung lập từ khả quan trước đó. Ở mức giá hiện tại, DGW đang giao dịch tại P/E là 10,9 lần (giữa năm 2024), 9,4 lần (cuối năm 2024), hợp lý so với triển vọng ngắn hạn vẫn thách thức.

Theo Hải Đường/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/co-phieu-khuyen-nghi-hom-nay-284-hpg-vhc-va-dgw-20180504224283775.htm