QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (5/7): VPB, GMD và VNM

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 5/7, bao gồm VPB, GMD và VNM.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (5/7): VPB, GMD và VNM
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (5/7): VPB, GMD và VNM

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho VPB

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, quý I/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, với lợi nhuận sau thuế đạt 3.202 tỷ đồng, tăng trưởng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, VPB ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 2,8% so với hồi đầu năm (tín dụng của Ngân hàng mẹ tăng trưởng 3,6% trong khi FE Credit đi ngang). Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp giảm 3,8% so với đầu năm do ảnh hưởng của những quy định chặt chẽ hơn về cho phát hành trái phiếu được ban hành.

Thu nhập ngoài lãi chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 2,5% so với quý I/2020 do lãi thuần từ hoạt động mua bán trái phiếu giảm mạnh được bù đắp bới tăng trưởng thu nhập của hoạt động dịch vụ và thu hồi nợ xấu.

Chất lượng tài sản ổn định với tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm lên mức 3,46% và hệ số LLR giảm nhẹ xuống còn 44%, chi phí trích lập dự phòng trong kỳ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do chi phí trích lập dự phòng tại FE Credit tăng.

Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16,6%, huy động tăng 19,2%, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3% và lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 16.600 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với thực hiện năm trước đó.

Đáng chú ý, mới đây VPB dự kiến phát hành 15 triệu cổ phần ESOP lấy từ 75,2 triệu cổ phiếu quỹ, bên cạnh đó VPB cũng công bố kế hoạch phát hành tối đa 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2021, ngân hàng không đề suất việc chia cổ tức cho cổ đông, tuy nhiên gần đây VPB đã tiến hành việc lấy ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.

VPB cũng vừa công bố việc thoái một nửa sở hữu tại FE Credit, cụ thể là bán 49% cổ phần cho SMFG và 1% cho VCSC, dự kiến thu về 32.000 tỷ đồng (tương ứng với việc định giá FE Credit tại P/B 2020 là 4,2 lần).

VPB sẽ không ghi nhận lợi nhuận từ việc bán FE Credit mà chỉ ghi tăng lợi nhuận giữ lại trên báo cáo tài chính do ngân hàng vẫn hợp nhất với báo cáo tài chính của FE Credit.

Yuanta đánh giá triển vọng tăng trưởng tích cực về lợi nhuận của VPB trong năm nay, với dự phóng lợi nhuận trước thuế là 17.100 tỷ đồng, tương đương mức tăng 31,5% cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao, ước đạt 17% cùng kỳ với biên lãi ròng (NIM) không biến động nhiều so với năm 2020.

Trong khi đó, việc thoái vốn tại FE Credit và phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược sẽ bổ sung nguồn vốn đáng kể cho VPB, giúp hệ số CAR ở những năm tới ở mức cao và đảm bảo cho tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao.

Trên thị trường, ở mức giá hiện tại, cổ phiếu VPB đang được giao dịch tại P/B dự phóng năm 2021 là 1,9 lần. Đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng từ mức giảm lên tăng cho thấy đồ thị giá có thể vượt mức kháng cự 72.200 đồng/cổ phiếu.

Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua VPB ở mức giá hiện tại.

SSI: Khuyến nghị khả quan GMD, giá mục tiêu 1 năm là 50.300 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 30/6, cổ đông Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 700 tỷ đồng, tăng 36,6% so với thực hiện năm 2020 trong kịch bản tốt. Còn trong kịch bản cơ sở, mục tiêu lợi nhuận này là 630 tỷ đồng, tức tăng 23%.

SSI cho rằng, kế hoạch này khá thận trọng do GMD đã hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận theo kịch bản tốt trong 6 tháng đầu năm 2021, và triển vọng 6 tháng cuối năm khá tươi sáng với sản lượng thông qua cảng Gemalink kỳ vọng tăng tích cực. Trong tương lai, GMD đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2020 (đạt 1.500 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng bình quân 25%/năm).

Cùng với đó, cổ đông cũng thông qua kế hoạch đầu tư với 3 dự án trọng điểm, đó là cảng Nam Đình Vũ giai đoạn II (2.000 tỷ đồng) vào cuối năm nay; cảng Gemalink giai đoạn II (4.200 tỷ đồng) và (iii) trung tâm logistic và ICD mới ở miền Nam (1.200 tỷ đồng). Theo ban lãnh đạo, việc tăng vốn là chưa cần thiết vì GMD đang ưu tiên tìm kiếm đối tác để cùng phát triển các dự án này…

Theo SSI, cảng Gemalink dự kiến sẽ có lãi ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, phù hợp với kỳ vọng đưa ra trước đó. Mặt khác, các cảng của GMD tại khu vực Hải Phòng đang phục hồi tốt và đã vượt kỳ vọng của SSI.

Gemalink và cảng Nam Đình Vũ dự kiến sẽ hoạt động hết công suất kể từ nửa cuối năm 2021, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho GMD. SSI ước tính lãi trước thuế năm 2021 của GMD sẽ ở mức 762 tỷ đồng (tăng trưởng 49%).

Hiện công ty chứng khoán này khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu GMD và đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm mới là 50.300 đồng/cổ phiếu, với triển vọng tăng giá là 13% so với thị giá phiên 1/7.

VCSC: Khuyến nghị mua VNM, giá mục tiêu 104.600 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) vừa thông báo bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Trí giữ chức vụ Giám đốc marketing, có hiệu lực từ ngày 5/7/2021. Việc bổ nhiệm này theo sau đơn từ nhiệm của ông Phan Minh Tiên vào ngày 1/6/2021.

Trước đây, ông Nguyễn Quang Trí từng là giám đốc marketing ngành hàng tại VNM và sau đó là giám đốc marketing tại Masan Meat Life (công ty con trong chuỗi giá trị thịt của Tập đoàn Masan).

Về tình hình kinh doanh, đến hết quý I/2021, VNM đạt doanh thu thuần 13.190 tỷ đồng (giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 2.597 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 43,6%, thấp hơn so với mức 46,4% trong năm 2020 và mức 46,7% cùng kỳ năm 2020.

Theo Euromonitor, ngành sữa Việt Nam đạt tốc độ tang trưởng 8,3% so với cùng kỳ và đạt giá trị 135.000 tỷ đồng. Trong đó, các mảng sữa nước, sữa chua, bơ và phô mai ghi nhận tăng trưởng cao. Biên lợi nhuận của ngành tăng nhẹ do giá nguyên nguyên vật liệu giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo kỳ vọng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ giảm đáng kể trong năm 2021 và kéo biên lợi nhuận của ngành xuống bằng với mức trước dịch.

Dự báo doanh thu thuần năm 2021 của VNM ở mức 63.220 tỷ đồng (tăng 6% so với thực hiện năm 2020), lợi nhuận sau thuế đạt 11.687 tỷ đồng, tăng 4% với giả định giá nguyên vật liệu có xu hướng gia tăng nhẹ.

VCSC hiện có khuyến nghị mua dành cho VNM với giá mục tiêu 104.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 16%, dựa theo giá đóng cửa phiên 2/7.

Theo Tân Mai/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/co-phieu-khuyen-nghi-hom-nay-57-vpb-gmd-va-vnm-20180504224255338.htm