QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu ngân hàng: Vì đâu nhà đầu tư vẫn thận trọng?

Báo cáo về ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thận trọng khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng…

Trừ nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đi ngang và hầu như lặng sóng trong suốt hơn 2 tháng đầu năm 2023. Điển hình là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, mà trước hết là cổ phiếu của các ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam. Đơn cử có thể kể đến MBB, VPB, TCB, VIB, ACB hay HDB… vẫn đang giao dịch quanh vùng giá đáy.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đi ngang và hầu như lặng sóng trong suốt hơn 2 tháng đầu năm 2023

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/3, cổ phiếu ngân hàng MBB vẫn giao dịch quanh vùng đáy 17.000 đồng/cp; Cổ phiếu VPB vẫn giao dịch quanh vùng đáy 18.000 đồng/cp; Cổ phiếu VIB, TCB, ACB cũng giao dịch quanh vùng đáy VIB là 20.950 đồng/cp; TCB là 27.150 đồng/cp; ACB là 24.950 đồng/cp…

Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, giá cổ phiếu dù có cải thiện nhưng vẫn giao dịch quanh vùng giá xảy ra trước dịch. CTG giao dịch quanh vùng giá 27-29.000 đồng/cp; Cổ phiếu BID giao dịch quanh ngưỡng 45-47.000 đồng/cp; Cổ phiếu VCB giao dịch quanh vùng giá trung hạn 90-92.000 đồng/cp… Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn dè chừng khi giao dịch cổ phiếu ngân hàng.

Nguyên nhân do đâu?

Báo cáo về ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thận trọng khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Theo VNDirect, cuối năm 2022, ngành ngân hàng vẫn đối mặt với hiện tượng căng thẳng thanh khoản khi tăng trưởng cung tiền thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng và hệ số LDR của các ngân hàng đều tăng lên so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, áp lực này đã phần nào dịu bớt khi lãi suất hạ nhiệt và nỗ lực hỗ trợ thanh khoản từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) qua việc tích cực mua vào ngoại tệ.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) ảm đạm ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng tài sản. Việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị hạn chế và doanh số bán hàng suy yếu đã khiến cho các doanh nghiệp BĐS rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền một cách nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lên khả năng trả nợ và theo đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản cũng như rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong năm2023.

VNDirect cho rằng, trước những khó khăn của ngành, các ngân hàng đã đặt kế hoạch thận trọng cho năm 2023. VCB chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12%. VIB chỉ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 15%…

Nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn. Theo đó, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện thì giao dịch sôi động sự trở lại của nhóm cổ phiếu vua này là điều tất yếu.

Triển vọng liệu có “sáng”?

Nhận định về cổ phiếu ngành ngân hàng, các chuyên gia chứng khoán đều chung nhận định nhà đầu tư nên thận trọng và ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và đa dạng hóa danh mục cho vay).

Năm 2023, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường BĐS kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao do mức tăng tiền lương 20,8% có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng… Cuối cùng, thanh khoản hạn hẹp (dù đã có phần cải thiện) cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Theo số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% và cung tiền tăng rất chậm 0,05% so với cuối năm 2022.

Không chỉ nhóm ngân hàng tư nhân, các ngân hàng quốc doanh tiếp tục gặp trở ngại trong việc tăng vốn do ngân sách hạn hẹp và quá trình phê duyệt diễn ra chậm chạp. Cụ thể, VCB, BID hoặc CTG đều có kế hoạch trả cổ tức cổ phiếu trong 2022 nhưng không ngân hàng nào có thể hoàn thành trong thời gian dự kiến. Điếm sáng cho nhóm ngân hàng quốc doanh trong năm 2023 là VCB, với kế hoạch phát hành 6,5% vốn để cải thiện tỷ lệ CAR từ 2-2,5%. Với ngân hàng quốc doanh còn lại, có thể hoàn thành kế hoạch phát hành cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 trong năm 2023, nếu không bộ đệm vốn của các ngân hàng này cũng như thị phần sẽ tiếp tục bị bào mòn trước sự cạnh tranh gay gắt của các nhóm ngân hàng tư nhân.

Dù vậy, sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, và ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do đó, định giá của ngành ngân hàng đang ở mức thấp lịch sử là 1,2 lần P/B năm 2023 (chỉ cao hơn mức -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm), đang tạo ra một cơ hội đầu tư dài hạn hết sức hấp dẫn đối với nhóm cổ phiếu này.

Còn theo Chứng khoán ACB (ACBS), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại trong năm 2023. Trong đó, các hoạt động thanh toán và bancassurance dự báo vẫn tăng trưởng ổn định trong năm 2023. Tuy nhiên, các hoạt động ngoài lãi khác sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn chung từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Trong khi đó, chi phí dự phòng chịu áp lực trong năm 2023 đến từ nợ xấu phát sinh gia tăng do rủi ro của nền kinh tế tăng lên. Bộ đệm dự phòng mặc dù vẫn còn khá dày, nhưng đã mỏng đi sau quý IV/2022 vừa qua do các ngân hàng sử dụng quỹ dự phòng để xóa sổ nợ xấu.

Thu nhập từ hoạt động tín dụng là điểm sáng duy nhất mà ACBS đánh giá trong năm 2023. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn khá tốt giúp các ngân hàng duy trì tăng trưởng tín dụng hợp lý và NIM được giữ ổn định.

“Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận năm 2023 của ngành ngân hàng tăng trưởng 10%, chậm lại so với mức tăng 34,6% của năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có thanh khoản dồi dào và đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro tín dụng tốt sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn”, ACBS nhấn mạnh.

Theo Nhật Hải/Kinh tế chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-ngan-hang-vi-dau-nha-dau-tu-van-than-trong-173276.html