QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) sẽ đi về đâu?

Giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa TTC (Sugar – Mã: SBT) liên tục giảm mạnh trong thời gian qua, khi doanh thu lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm mạnh và nhiều thông tin không tốt từ thị trường mía đường.

Lợi nhuận Thành Thành Công giảm 52,4% so với cùng kỳ

Mới đây, Thành Thành Công – Biên Hòa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quí IV niên độ 2018 – 2019 (1/7/2018 – 30/6/2019). Theo số liệu công bố trước kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của công ty là 315,654 tỷ đồng, tuy nhiên, số liệu sau kiểm toán chỉ còn 259,292 tỷ đồng, giảm 56,3 tỷ đồng (17,8%) so với số liệu cũ.

Sau đó, Công ty cũng đã có văn bản giải trình các chênh lệch số liệu tại báo cáo kết quả kinh doanh trong báo cáo hợp nhất niên độ 18-19 (từ 01/07/2018 đến 30/06/2019) trước và sau soát xét.

Theo lý giải của Công ty, nguyên nhân là do ảnh hưởng từ việc quyết toán số thuế thu nhập doanh nghiệp tại các đơn vị trực thuộc công ty trước khi quyết toán và sau khi rà soát lại theo từng loại các chỉ tiêu doanh thu, chi phí cũng như các mức thuế đang áp dụng làm thay đổi khoản thuế phải nộp.

Kết quả không mấy khả quan, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 259 tỷ đồng, sụt giảm mạnh 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đã khiến giá cổ phiếu SBTsau đó giảm 3 phiên liên tiếp. Điều này là hoàn toàn phù hợp với việc kể từ đầu năm 2019, cổ phiếu SBT liên tục chuỗi giảm giá, hiện SBT giao dịch quanh mức 17.750 đồng/cp.

Tính đến 30/6, số người lao động tại SBT là 3.759 người, giảm gần 500 người so với thời điểm 30/6/2018. Thành Thành Công Biên Hòa hiện có 6 công ty con do công ty trực tiếp sở hữu và 12 công ty con gián tiếp.

Hiên tại, lượng cổ phiếu đang lưu hành của SBT là 586.740.552 cổ phiếu. CTCP Đầu tư Thành Thành Công là cổ đông lớn nhất của SBT với tỷ lệ sở hữu 28,64% (168.021.963 cổ phiếu).

Và để giải cứu giá cổ phiếu SBT, Thành Thành Công – Biên Hòa vừa công bố bà Đặng Huỳnh Ức My đăng ký mua vào 28,1 triệu cổ phiếu, tương đương 5,1% vốn điều lệ của công ty. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 16/10/2019. 

Tuy nhiên, liệu biện pháp tạm thời của bà Đặng Huỳnh Ức My liêu có cứu được giá cổ phiếu SBT khi nhiều thế mạnh của Thành Thành Công – Biên Hòa TTC đang lung lay nghiêm trọng và cả những tín hiệu xấu từ thị trường mía đường không thể cải thiện trong ngắn hạn.

Doanh nghiệp sản xuất lại phụ thuộc vào đường thô nhập khẩu?

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía 2018-2019 trên cả nước có 36/41 nhà máy đường hoạt động, thu mua mía.

Đến hết tháng 6/2019, các nhà máy đường đã sản xuất lũy kế ép được 12 triệu tấn mía và sản xuất được khoảng 1,2 triệu tấn đường. Giá mía 10 CCS (chữ lượng đường) tại ruộng ở khu vực phía bắc được các nhà máy thu mua từ 750 đến 900 đồng/kg, miền trung và Tây Nguyên từ 720 đến 800 đồng/kg và miền nam từ 720 đến 800 đồng/kg; giá mua mía 10 CCS tại nhà máy ở khu vực phía bắc từ 930 đến 1.011 đồng/kg, khu vực miền trung và Tây Nguyên từ 800 đến 940 đồng/kg, khu vực miền nam từ 810 đến 850 đồng/kg.

Được biết, đây là giá mía được thu mua thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây và người nông dân trồng mía đang bị thua lỗ lớn. Quảng cáo

Trước thực trạng giá mía đường đang quá thấp, người dân phải bù lỗ lớn thế nhưng đã có một nghịch lý diễn ra là trong các tháng đầu năm 2019 các doanh nghiệp ngành mía đường lại ồ ạt nhập khẩu đến gần 200.000 tấn đường thô (đường nguyên liệu) về chế biến.

Cụ thể, theo báo cáo số 57/BCT-HHMĐ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến ngày 30/4/2019 cả nước có ba nhà máy nhập khẩu (lũy kế đến thời điểm báo cáo) là 193.612 tấn đường thô. Cụ thể, Nhà máy BHS Ninh Hòa nhập khẩu 19.459 tấn, Nhà máy TTC-Biên Hòa (TTCS) nhập 58.946 tấn, TTC BH-ĐN (NM luyện) nhập khẩu 115.207 tấn.

Trong khi đó, tổng số cả ba nhà máy này niên vụ 2018-2019 chỉ đưa vào ép được hơn 1,4 triệu tấn mía, với sản lượng đường là 125.776 tấn các loại. Như vậy, lượng đường nhập khẩu đang chiếm tỷ trọng lớn tại các nhà máy nói trên.

Ngoài ra, việc ồ ạt nhập khẩu đường thô chính là tác nhân kéo giá đường trong nước giảm sâu và đang ảnh hưởng trực tiếp với ngành mía đường trong nước. Thực tế, đường trong nước những năm gần đây luôn phải cạnh tranh bởi giá đường nhập lậu vì vậy đường ngày càng bị ép giá.

Việc Nhà máy TTC-Biên Hòa (TTCS) nhập lượng đường thô lớn lên đến 58.946 tấn không những gây thiệt hại trực tiếp cho nông dân trồng mía mà ngay cả với Thành Thành Công, khi từ một doanh nghiệp sản xuất bao tiêu chủ động cả một quy trình khép kín thì nay phụ thuộc không ít vào đường thô nhập.

Thị trường mía đường lung lay vì đường lậu

Theo văn bản của Hiệp hội Mía đường cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ thì ngoài vấn đề về thời tiết làm giảm năng suất mía, việc buôn lậu, gian lận thương mại và nhập khẩu đường thô có xuất xứ Thái-lan, Campuchia, Lào… trong thời gian dài đang dẫn đến nguy cơ hủy diệt ngành mía đường.

Thực tế, ngay từ niên vụ 2015-2016 có đến 17/30 nhà máy đường thua lỗ, diện tích mía đường tính đến nay đã giảm 60%. Nhiều nhà máy thiếu vùng nguyên liệu, sản xuất đường ở công suất thấp, có thể dẫn tới phá sản vào niên vụ 2019 – 2020. Tại văn bản này, Hiệp hội Mía đường đã chỉ ra nhiều điểm bất cập.

Hiệp hội mía đường cho rằng: Việt Nam hiện tại chưa thể cạnh tranh được với đường nhập từ Thái-lan (kể cả chính thức và nhập lậu) vì thông qua Quỹ mía và đường CSF (Cane and Sugar Fund), Chính phủ Thái-lan hỗ trợ nông dân trực tiếp 154 – 160 bạt/tấn mía với tổng giá trị lên đến 500 triệu USD/năm cho người trồng mía.

Cùng với tín dụng lãi suất thấp, các sản phẩm phụ như bã mía, cồn nhiên liệu từ mật rỉ luôn được Chính phủ Thái Lan mua với giá cao, nhiều ưu đãi. Với hệ thống ưu đãi đó đã cho phép ngành mía đường Thái-lan “ép” cả những đối thủ mạnh của ngành mía đường thế giới như Brazin, Australia, Mỹ.

Điều này làm nhà nước thất thu thuế, đồng thời thu hẹp thị trường của ngành mía đường Việt Nam.

Liên quan Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (nhà đầu tư Ấn Độ, nhà máy đường tại tỉnh Phú Yên) cho rằng: “Để bảo vệ được ngành mía đường trong nước thì cần phải vận dụng những quy định tại Nghị định thư và những điều khoản phải được luật hóa trong Luật Xuất, nhập khẩu hàng hóa để các doanh ứng dụng”.

Luật lỏng lẻo các doanh nghiệp có thể lợi dụng những kẽ hở để nhập khẩu đường và sau đó sẵn sàng phá sản, không tái xuất theo như quy định. Ông K.V.S.R Subbaiah cho biết.

Theo phân tích của ông K.V.S.R Subbaiah, trong khối ASEAN, việc sản xuất đường của Việt Nam chỉ thua có Thái-lan và cả hai đều nằm trong bậc trung, ngay Trung Quốc hiện chi phí sản xuất thì giá đường vẫn cao hơn Việt Nam. Nhưng ngành đường của các nước trong khu vực ASEAN vẫn khá ổn định, còn ở Việt Nam lại rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn và kéo dài thêm hai vụ mía nữa thì doanh nghiệp trong nước sẽ “chết” hết.

Như vậy, ngành mía đường nói chung và Thành Thành Công – Biên Hòa nói riêng đang đối diện với nhiều vấn đề hết sức nghiêm trọng và cần thời gian dài để tháo gỡ, khi mà trên 80% doanh thu của Thành Thành Công – Biên Hòa là từ mía đường. Việc “Công chúa mía đường” mua vào cổ phiếu để cứu giá cũng chỉ là giải pháp tạm thời khi bản thân doanh nghiệp này đang gặp phải nhiều vấn đề nội tại không thể khắc phục trong ngày 1 ngày 2, và việc mua vào cổ phiếu may mắn cũng chỉ cứu giá cho SBT trong ngắn hạn.

Theo Thanh Bút/Thương Gia