QC 1
Thứ 6, ngày 11/10/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu tiềm năng phiên 14/5/2024: IMP, LCG, PNJ

Trong phiên giao dịch 14/5, các cổ phiếu IMP, LCG, PNJ được các công ty chứng khoán duy trì khuyến nghị nắm giữ dựa trên tiềm năng sẵn có, kết quả kinh doanh ổn định, duy trì sức tăng trưởng tốt và câu chuyện riêng từ doanh nghiệp.

Thị trường phiên sáng 13/5 vẫn có nhịp tăng điểm tích cực và tiến sát tới vùng 1.250, nhưng áp lực bán dần gia tăng ngay sau đó đã khiến VN-Index đảo chiều và kết phiên giảm gần 5 điểm so với mốc tham chiếu. Thanh khoản giao dịch trên 3 sàn đạt xấp xỉ 19.600 tỷ đồng, giảm 13% so với bình quân tuần trước. Khối ngoại rút ròng với giá trị hơn 850 tỷ đồng trên sàn HSX, chủ yếu tập trung vào các mã VHM, CTG, VPB. Điểm sáng thu hút dòng tiền trong phiên có thể kể đến như nhóm chứng khoán và bất động sản.

Các chỉ số chính của thị trường đóng cửa phiên 13/5

Với diễn biến hiện tại, một số cổ phiếu như IMP, LCG, PNJ được các công ty chứng khoán nhận định đang ở vùng giá tiềm năng để nắm giữ dựa trên tiềm năng sẵn có, kết quả kinh doanh ổn định, duy trì sức tăng trưởng tốt và câu chuyện riêng từ doanh nghiệp.

Cổ phiếu IMP

Kết thúc quý 1/2024, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) ghi nhận doanh thu thuần tăng 2,5% YoY đạt 491 tỷ đồng trong khi LNTT giảm 21,5% YoY đạt 77,8 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 21% và 18% so với kế hoạch năm 2024. Nhà máy IMP4 bắt đầu đưa vào khấu hao từ tháng 7/2023 và giá nguyên liệu API vẫn ở mức cao đến đầu năm 2024 khiến giá vốn hàng bán quý 1/2024 tăng 25% YoY đạt 310 tỷ đồng là nguyên nhân chính làm suy giảm lợi nhuận trong kỳ. Do đó, biên lợi nhuận gộp giảm chỉ còn 36,8%.

Tính đến cuối năm 2023, công suất hoạt động của nhà máy IMP4 đã đạt được 61% và mang lại doanh số đạt 80 tỷ đồng sau 5 tháng hoạt động. Trong khi các nhà máy IMP1, IMP2 và IMP3 đều chưa đạt mức công suất tối đa, IMP vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn từ 2024 trở đi.

Cho năm 2024, IMP đặt ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh so với năm ngoái, với doanh thu gộp tăng 24% YoY đạt 2.630 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ kênh ETC tăng trưởng mạnh mẽ hơn đạt 1.316 tỷ đồng (+49% YoY) trong khi doanh thu từ kênh OTC đạt 1.214 tỷ đồng (+12% YoY). Ngoài ra, IMP dự kiến doanh thu thuần năm 2024F tăng 19% YoY đạt 2.365 tỷ đồng và LNTT tăng 12% YoY đạt 423 tỷ đồng.

IMP tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng ở cả 2 kênh ETC và OTC trong năm 2024 với kế hoạch phủ sóng kênh OTC tại miền Bắc, khai thác tối đa khu vực miền Trung, miền Nam và khai thác 100% kênh ETC với sản phẩm là dịch truyền và bột đông khô.

Theo Chứng khoán PHS, doanh thu từ kênh ETC sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với kênh OTC, với mức tăng trưởng năm 2024 được dự báo lần lượt là 20% YoY và 10% YoY, thấp hơn so với dự báo của IMP dựa trên kỳ vọng tăng trưởng kênh ETC dự kiến trở về mức bình thường do đã được phục hồi tốt trong năm 2023 và thị trường OTC đã bão hòa. Qua đó, PHS dự phóng IMP sẽ ghi nhận doanh thu thuần và LNTT lần lượt là 2.267 tỷ đồng (+13,7% YoY) và 435 tỷ đồng (+15,3% YoY).

PHS nhận định, IMP là doanh nghiệp nội địa có giá trị trúng thầu kênh ETC cao nhất ngành trong quý 1, cho thấy năng lực vượt trội và vị thế cạnh tranh mạnh của IMP so với các doanh nghiệp trong nước trong đầu thầu thuốc kênh ETC.

Cùng với đó, IMP sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong năm 2024 nhờ: (1) thuốc nội địa được ưu tiên trong cơ cấu đấu thầu nhờ các chính sách của Chính phủ, (2) tăng trưởng mạnh mẽ từ kênh ETC và (3) các nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP tạo tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Với luận điểm nêu trên, PHS duy trì khuyến nghị MUA với giá hợp lý dành cho IMP là 77.200 VND/cổ phiếu, tương ứng mức tăng trưởng tiềm năng so với giá hiện tại là 16%.

Cổ phiếu LCG

Theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Công ty CP Lizen (HOSE: LCG), lợi nhuận sau thuế giảm 14,2% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 16,82 tỷ đồng, về 101,57 tỷ đồng (trước kiểm toán lãi 118,39 tỷ đồng). Trong đó, biến động chủ yếu do lợi nhuận gộp giảm 10% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 31,65 tỷ đồng, về 285,17 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 23,2% so với trước kiểm toán, tương ứng tăng thêm 10,83 tỷ đồng, lên 57,53 tỷ đồng…

Lý giải lợi nhuận “bốc hơi” tới 14,2% so với trước kiểm toán, Lizen cho biết do ảnh hưởng từ việc trích lập thêm dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Điểm đáng lưu ý, nếu như đầu năm 2023, Lizen chỉ trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 121,16 tỷ đồng thì tới cuối năm đã lên tới 178,68 tỷ đồng, tức tăng thêm 57,52 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, Công ty không thuyết minh trích lập nợ xấu khách hàng nào để nhà đầu tư được biết.

Luỹ kế trong năm 2023, Lizen ghi nhận doanh thu tăng 99,6% so với thực hiện trong năm 2022, lên 2.007,95 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 47,7% so với cùng kỳ, về 101,57 tỷ đồng. Được biết, trong năm 2023, Lizen đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.850 tỷ đồng, tăng 183,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 150 tỷ đồng, giảm 22,7% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc năm 2023, Lizen chỉ hoàn thành 67,7% so với kế hoạch lãi 150 tỷ đồng mà Đại hội đồng đã giao cho Ban điều hành.

Sang quý 1/2024, TCBS cho biết, doanh thu và lợi nhuận thuần của LCG đạt lần lượt 311 tỷ (+28% YoY) và 15 tỷ (+35% YoY). Năm 2024, Công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt đạt 2.400 tỷ (+20% YoY) và 131 tỷ (+28% YoY). Mảng xây dựng hạ tầng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với doanh thu chủ yếu từ các dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang, Vũng Áng – Bùng, vành đai 4 Hưng Yên.

TCBS đánh giá triển vọng của LCG sẽ khả quan với lượng backlog lớn và tiến độ thi công tốt, ước tính P/E fw 2024 ở mức 15x, thấp hơn trung bình ngành dài hạn (~17x), nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng.

Cổ phiếu IMP, LCG và PNJ được các công ty chứng khoán khuyến nghị khả quan trong thời gian tới

Cổ phiếu PNJ

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 12.594 tỷ đồng, tăng mạnh 29% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu theo quý cao kỷ lục của doanh nghiệp bán lẻ trang sức này trong lịch sử hoạt động.

Sau khi trừ toàn bộ chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Vàng Phú Nhuận thu về 738 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2024, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn tới 17% so với quý 4/2023.

Năm nay, Vàng Phú Nhuận đặt mục tiêu doanh thu ở mức 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.089 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 6% so với mức thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kết quả trên, doanh nghiệp này sẽ thiết lập mức lợi nhuận cao kỷ lục mới.

Với kết quả đạt được trong quý 1/2024, Vàng Phú Nhuận đã hoàn thành 34% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Vàng Phú Nhuận đạt 12.969 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho là khoản mục chiếm tỷ trọng cao nhất với 73% tổng cơ cấu, đạt 9.511 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền và tương đương tiền đã tăng 85%, lên mức 1.661 tỷ đồng;

Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của doanh nghiệp này đạt 2.494 tỷ đồng, giảm tới 46% so với đầu năm. Trong đó, giảm mạnh nhất là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn khi giảm 85%, còn 363 tỷ đồng.

Mới đây, Chứng khoán Vietcap đã có báo cáo phân tích nhanh về triển vọng đối với cổ phiếu PNJ. Theo đó, Vietcap điều chỉnh tăng 4% giá mục tiêu cho PNJ và duy trì khuyến nghị Mua cho mã này. Vietcap cho rằng PNJ có vị thế tốt để dẫn đầu sự tăng trưởng của ngành trang sức thương hiệu, cùng với sự phục hồi chi tiêu trong tầng lớp trung – thượng lưu tại Việt Nam.

Cũng theo nhóm phân tích, giá mục tiêu của PNJ điều chỉnh cao hơn được thúc đẩy bởi tổng dự báo LNST giai đoạn 2024-2028 tăng 2% do dự báo doanh thu vàng miếng tăng. Ngoài ra, Vietcap cập nhật mô hình định giá sang giữa năm 2025.

Trong trung và dài hạn, Vietcap dự phóng rằng tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Việt Nam sẽ càng ưa chuộng mua trang sức từ các thương hiệu uy tín thay vì mua từ các cửa hàng nhỏ lẻ không có thương hiệu, vốn vẫn chiếm ~67% thị trường trang sức Việt Nam…

Theo Nguyễn Thanh/ Kinh Tế Chứng Khoán