QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Công ty chứng khoán không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức

Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán trong đó nêu rõ một số quy định liên quan đến việc quản lý tiền của khách hàng để giao dịch chứng khoán.

Theo quy định tại Điều 108, Luật Chứng khoán, từ ngày 1/1/2021, việc huy động vốn của quỹ đại chúng được công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng có hiệu lực.

Theo quy định, quỹ đại chúng được thành lập khi đáp ứng các điều kiện như: Có ít nhất 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua chứng chỉ quỹ, trừ quỹ hoán đổi danh mục; Tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất là 50 tỷ đồng.

Cần lưu ý rằng, toàn bộ vốn góp của nhà đầu tư phải được phong tỏa tại một tài khoản riêng đặt dưới sự kiểm soát của ngân hàng giám sát và không được sử dụng cho đến khi hoàn tất đợt huy động vốn.

Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả huy động vốn có xác nhận của ngân hàng giám sát trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc huy động vốn.

Trường hợp việc huy động vốn của quỹ đại chúng không đáp ứng quy định ở trên thì công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải hoàn trả cho nhà đầu tư mọi khoản tiền đã đóng góp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc huy động vốn.

Cũng theo quy định của Luật Chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán cũng sẽ phải chịu mọi chi phí và nghĩa vụ tài chính khác phát sinh từ việc huy động vốn.

Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán trong đó nêu rõ một số quy định liên quan đến việc quản lý tiền của khách hàng để giao dịch chứng khoán.

Cụ thể, theo Điều 23 của Dự thảo Thông tư quy định về quản lý tiền của khách hàng, công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại. Công ty chứng khoán không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật.

Một trong những điểm mới so với Thông tư số 210/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính là Dự thảo Thông tư bổ sung thêm quy định công ty chứng khoán và khách hàng có thể có thỏa thuận về tiền lãi đối với số dư tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán của khách hàng.

Ngoài ra, cũng theo Dự thảo Thông tư, công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng theo các phương thức sau để khách hàng lựa chọn:

Thứ nhất, khách hàng của công ty chứng khoán mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán. Trong phương thức này, khách hàng, công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại có hợp đồng thỏa thuận về cách thức xác nhận, phong tỏa số dư tiền và chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán của khách hàng.

Sau khi lệnh mua chứng khoán của khách hàng được khớp, công ty chứng khoán có quyền yêu cầu ngân hàng nơi nhà đầu tư mở tài khoản thực hiện chuyển tiền tương ứng với giá trị khớp lệnh vào tài khoản thanh toán giao dịch chứng khoán do công ty chứng khoán đứng tên mở tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn. Công ty chứng khoán có nghĩa vụ thay mặt cho khách hàng thực hiện thanh toán giao dịch chứng khoán với các bên có liên quan.

Thứ hai, công ty chứng khoán mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Tài khoản chuyên dụng phải mở riêng biệt và tách bạch với các tài khoản khác của công ty chứng khoán. Tài khoản chuyên dụng này chỉ phục vụ cho giao dịch của khách hàng, cụ thể: Khách hàng nộp, chuyển tiền vào tài khoản giao dịch chứng khoán; Khách hàng rút, chuyển tiền ra khỏi tài khoản giao dịch chứng khoán; Khách hàng thanh toán giao dịch chứng khoán; Khách hàng ký quỹ giao dịch, nộp tiền đấu giá mua chứng khoán; Khách hàng thanh toán thực hiện quyền mua chứng khoán; Các trường hợp thanh toán khác của khách hàng theo yêu cầu của khách hàng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo Văn Thắng/ Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/cong-ty-chung-khoan-khong-duoc-lam-dung-tien-cua-khach-hang-duoi-moi-hinh-thuc-79861.html