Hanoi Metro báo lãi sau thuế năm 2023 hơn 13 tỷ đồng và vượt gấp đôi kế hoạch đề ra, đây là năm thứ hai liên tiếp công ty có lãi sau chuỗi thua lỗ.
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) đã công bố báo cáo tài chính năm 2023 do Công ty TNHH Kiểm toán CPA thực hiện, ghi nhận doanh thu năm ngoái đạt hơn 515 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán vé khoảng 74 tỷ đồng (tăng 12,5% so với năm 2022), còn lại 441 tỷ là doanh thu trợ giá (tăng gần 6% so với cùng kỳ).
Giá vốn hàng bán lên tới 507 tỷ với 44% là chi phí khấu hao, một phần là chi phí hỗ trợ, quản lý vận hành khai thác tuyến, còn lại là chi phí nhân công, dịch vụ mua ngoài.
Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp chỉ còn 7,8 tỷ đồng, giảm một nửa so với 2022. Trong kỳ, doanh thu tài chính của Hanoi Metro ghi nhận gần 27 tỷ, đều là lãi tiền gửi, cùng kỳ lãi hơn 2 tỷ đồng. Cuối năm 2023, Hanoi Metro nắm 687 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng.
Kết quả, Hanoi Metro lãi sau thuế hơn 13 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 2,2 tỷ và đã vượt gấp đôi kế hoạch đề ra. Đây là năm thứ hai liên tiếp công ty có lãi sau chuỗi thua lỗ.
Đáng chú ý, trong vấn đề cần nhấn mạnh, Công ty TNHH Kiểm toán CPA cho biết trong năm 2023, Hanoi Metro đã thực hiện điều chỉnh phân bổ chi phí dự án hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hợp đồng ký với Liên danh Xây dựng Đường sắt Trung Quốc – Metro Bắc Kinh); phân bổ dự án dự án hỗ trợ kỹ thuật về truyền thông cho mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội do ADB tài trợ và phân bổ lại các chi phí tuyến 2A thuộc nguồn kinh phí được UBND Thành phố Hà Nội quyết định tạm ứng để duy trì hoạt động thường xuyên từ khi công ty thành lập (tháng 6/2015) đên ngày 5/11/2021.
Đồng thời, trong năm 2021 và 2022, công ty thực hiện ghi nhận chi phí khấu hao của 15 thiết bị chuyên dùng thuộc hạng mục hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông vào chi phí sản xuất năm 2021 và năm 2022.
Tuy nhiên, đến năm 2023, 15 thiết bị chuyên dùng này mới thực tế được bàn giao cho công ty. Do đó, số liệu Báo cáo tài chính cho năm tài chính 2021 và 2022 được trình bày lại để phù hợp với chính sách kế toán công ty ghi nhận trong năm 2023.
Báo cáo tài chính năm 2022 do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C kiểm toán ghi nhận lợi nhuận sau thuế của Hanoi Metro gần 97 tỷ đồng. Còn sau khi điều chỉnh thì con số lợi nhuận này giảm về 2,2 tỷ.
Tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản của Hanoi Metro là 3.035 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 2.689 tỷ, riêng vốn góp là 2.673 tỷ và có gần 16 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Năm 2024, Hanoi Metro dự kiến vận chuyển gần 11 triệu lượt hành khách và ghi nhận gần 530 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng khoảng 3% so với năm 2023, lợi nhuận sau thuế hơn 13 tỷ đồng.
Hanoi Metro chính thức hoạt động từ tháng 6/2015 do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Đến hết năm 2022, công ty đang có 667 nhân viên. Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2021 của Hanoi Metro, lỗ lũy kế từ khi thành lập (27/11/2014) đến ngày 5/11/2021 là 139 tỷ đồng. Từ 6/11/2021 (khi tàu điện bắt đầu bán vé) đến ngày 31/12/2021, lỗ phát sinh thêm 20 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài tuyến chính 13,05 km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa với 12 ga trên cao).
Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435 mm; tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác 35 km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (và ngược lại) là 23,63 phút. Dự án vận hành thương mại từ ngày 6/11/2021.
Từ tháng 11/2023 đến nay, các đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã nằm dưới sự quản lý, vận hành của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và thợ lái tàu người Việt Nam từ Hanoi Metro.