QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cửa tăng trưởng của Nhựa Bình Minh vẫn hẹp dù cạnh tranh đã bớt gay gắt

Mặc dù cạnh tranh ngành ống nhựa đã bớt gay gắt do áp lực tăng chiết khấu đã giảm nhưng “cửa” tăng trưởng của Nhựa Bình Minh vẫn hẹp.

Giai đoạn 2014-2016, một loạt nhà máy sản xuất tăng công suất cũng như nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành do sức hấp dẫn của lợi nhuận ngành ống nhựa. Nhiều nhà sản xuất lựa chọn chiến lược tăng chiết khấu cho hệ thống phân phối để giành thị phần. Trong số đó, nổi bật là ống nhựa Hoa Sen của Tập đoàn Hoa Sen với chiết khấu lên tới 40%, gây sức ép lên các đối thủ, trong đó có Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP).

Mặc dù nắm giữ thị phần cao nhất tại khu vực phía Nam, Nhựa Bình Minh buộc phải điều chỉnh chính sách chiết khấu và chấp nhận mức biên gộp thấp hơn để cạnh tranh.

Tuy nhiên hiện tại, cạnh tranh trong ngành này đã bớt gay gắt hơn, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo nhận định về Nhựa Bình Minh vừa được công bố mới đây.

VDSC cho rằng tiếp tục tăng chiết khấu không phải chiến lược khôn ngoan trong dài hạn và theo đó, các đối thủ của Nhựa Bình Minh sẽ ngừng tăng chiết khấu. Nhựa Bình Minh nhờ đó có thể duy trì biên gộp quanh mức 23% và biên ròng quanh 12%.

“Thêm vào đó, lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết thị trường ống nhựa nội địa đang dư cung, trong khi mặt hàng ống nhựa khó xuất khẩu do chi phí vận chuyển cao. Như vậy, chúng tôi cho rằng các nhà sản xuất nội địa sẽ không tăng công suất trong thời gian tới, đồng thời giữ nguyên mức chiết khấu để giữ lại lợi nhuận”, các chuyên gia của VDSC nêu quan điểm.

Kể từ khi về tay người Thái, mục tiêu của Nhựa Bình Minh đã có những điều chỉnh nhất định , chủ yếu hướng tới cải thiện hiệu quả chung để đáp ứng tiêu chuẩn của công ty mẹ – Tập đoàn The Nawaplastic Industries.

Trong năm 2019, Nhựa Bình Minh dự định chi 200 tỷ đồng, phần lớn được đầu tư vào hệ thống lưu kho mới và tự động hoá. Đây là một trong những yêu cầu của công ty mẹ để cải thiện năng lực và hiệu quả dài hạn của Nhựa Bình Minh. Một số cải tiến khác bao gồm tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng cao, quản lý dữ liệu, các tiêu chuẩn trong quản trị khác sẽ được áp dụng.

“Chúng tôi cho rằng chi phí quản lý của Nhựa Bình Minh sẽ tăng trong năm 2019 và 2020, còn hiệu quả hoạt động sẽ được cải thiện dần trong dài hạn”, VDSC nhận định.

Về sản lượng tiêu thu, công ty chứng khoán này cho rằng sẽ khó tăng mạnh, do chính sách tiêu thụ của Nhựa Bình Minh không thay đổi, chủ yếu do không tăng sản lượng sản xuất trong năm 2019 và 2020.

Theo VDSC, mặc dù công suất huy động của Nhựa Bình Minh chỉ ở mức 70% nhưng phần công suất chưa khai thác chủ yếu là sản phẩm đường kính lớn và khó tiêu thụ đại trà. Máy móc để sản xuất loại sản phẩm này cũng không thể chuyển đổi để sản xuất dòng sản phẩm thông dụng. Thêm nữa, lợi thế của Nhựa Bình Minh chủ yếu nằm ở sản phẩm dùng cho nhà ở và công suất huy động cho nhóm hàng này cũng đã tiệm cận mức tối đa.

Vì vậy, nếu Nhựa Bình Minh không đẩy mạnh khai thác thị trường cơ sở hạ tầng để tăng công suất hoạt động thì tăng trưởng sản lượng cho các năm tới sẽ chỉ ở mức tối thiểu.

“Chúng tôi cho rằng sự thận trọng trong việc tăng công suất thực chất là một chiến lược phù hợp với Nhựa Bình Minh. Như đã đề cập, thị trường ống nhựa nội địa đang dư cung, đồng thời hoạt động xây dựng đã tăng trưởng chậm lại, khiến dư địa tăng trưởng cho ngành vật liệu xây dựng nói chung không còn nhiều. Vì vậy, chiến lược khôn ngoan và phù hợp nhất lúc này có lẽ là ngưng tăng công suất ồ ạt và tập trung vào cải thiện dòng tiền. Đây là điều mà Nhựa Bình Minh đã và đang làm tương đối tốt”, VDSC phân tích.

Dựa vào dòng tiền hoạt động dương trong 12 năm liên tiếp của Nhựa Bình Minh, công ty chứng khoán này nhận định rằng Nhựa Bình Minh sẽ tiếp tục duy trì trạng thái này trong tương lai. Dòng tiền tự do cho chủ sở hữu (FCFE) sẽ đạt lần lượt 630 tỷ và 571 tỷ trong năm 2019 và 2020. Điều này cho phép Nhựa Bình Minh hưởng lợi từ trạng thái không vay nợ (ngoại trừ khoản vay ngắn hạn nhỏ) đồng thời có thu nhập đều đặn từ lãi tiền gửi ngân hàng.

Theo Thanh Long/VietnamFinance