QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cục trưởng Cục Tin học hóa: ‘Cần đưa Bluezone trở thành ứng dụng trợ giúp thông tin y tế cho từng cá nhân’

Theo chiến lược phát triển ứng dụng Bluezone, cơ quan chức năng sẽ đưa ứng dụng này trở thành ứng dụng trợ giúp thông tin y tế cho từng cá nhân, không chỉ đơn thuần là truy vết những người nhiễm virus.

Ứng dụng Bluezone đã đạt gần 23 triệu lượt tải.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Y tế vừa phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tuyên truyền, triển khai ứng dụng Bluezone. 

Theo thống kê của Cục Tin học hóa cho biết kể từ khi ra mắt (18/4/2020) đến nay, ứng dụng Bluezone đã đạt gần 23 triệu lượt tải, chiếm 30% số lượng smartphone và 23% dân số. 5 địa phương có tỷ lệ cài đặt Bluezone/tổng số smartphone cao nhất gồm: Đà Nẵng (trên 40%), Quảng Trị, Hải Dương, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế (đạt trên 30%). 5 địa phương có tỷ lệ cài đặt Bluezone/tổng số smartphone thấp nhất là: Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Trà Vinh (13%-16%).

Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, nhận định Việt Nam có những thế mạnh đặc biệt mà không quốc gia nào có được, chỉ sau thời gian ngắn đã là nước dẫn đầu về số lượng người cài đặt Bluezone, chỉ đứng sau Singapore.

Đánh giá về những tồn tại, hạn chế, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho rằng hiện nay Việt Nam có nhiều ứng dụng, cần tích hợp lại để tạo thuận lợi cho người dân, ít nhất là về mặt cơ sở dữ liệu.

Hai hạn chế của Bluezone được nhiều đại biểu góp ý là giao diện còn chưa chuyên nghiệp và chức năng còn nghèo nàn, chưa có ích nhiều cho người dân. Những hạn chế trong công tác tuyên truyền vận động cài đặt Bluezone có thể kể đến là chủ các cơ sở kinh doanh và các doanh nghiệp chưa chủ động vào cuộc và công tác giải đáp thắc mắc liên quan đến Bluezone còn nhiều điểm chưa tốt.

Trong thời gian tới, mặc dù dịch bệnh đã tạm thời được đẩy lùi, nhưng cho đến lúc có vaccine phòng chống, Việt Nam vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ liên quan đến phòng chống dịch bệnh để thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch Covid-19.

Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu rõ chiến lược phát triển ứng dụng Bluezone, đưa ứng dụng này trở thành ứng dụng trợ giúp thông tin y tế cho từng cá nhân, không chỉ đơn thuần là truy vết những người nhiễm virus.

Cụ thể, qua phần mềm Bluezone, người dùng có thể tiếp cận với các thông tin y tế chính thống của Bộ Y tế, liên kết với các ứng dụng khai báo y tế khác, theo dõi sức khỏe cá nhân (đếm bước chân hoặc nhắc uống thuốc), công cụ cho người dân phản ánh với Bộ Y tế.

Đặc biệt, trong thời gian tới, việc tuyên truyền, truyền thông về việc cài đặt sử dụng Bluezone sẽ không làm dàn trải, chung chung mà tập trung vào những địa điểm công cộng như bệnh viện, siêu thị, sân bay, nhà ga, bến tàu và trên các phương tiện công cộng…

Về chiến lược duy trì tính sẵn sàng ứng phó, sẽ thiết lập mạng lưới để lúc có dịch thì chống dịch, khi dịch được đẩy lui, lực lượng này sẽ thực thi nhiệm vụ hướng dẫn chuyển đổi số. Mạng lưới chuyển đổi số phải được thiết lập đến cấp xã với sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, định kỳ diễn tập trên toàn mạng lưới.

Đề cập đến các giải pháp cụ thể để triển khai, hiện thực hóa các chiến lược nêu trên, đại diện Cục Tin học hóa khẳng định phải coi Bluezone là sản phẩm công nghệ chung của cả cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT  và Bộ Y tế.

Theo Tuệ Lâm/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/cuc-truong-cuc-tin-hoc-hoa-can-dua-bluezone-tro-thanh-ung-dung-tro-giup-thong-tin-y-te-cho-tung-ca-nhan-20180504224244155.htm