QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cùng Bệnh viện Bạch Mai chống dịch COVID-19

Sáng ngày 29/3, Việt Nam ghi nhận 179 ca COVID-19 trong đó 28 người khỏi bệnh gồm 21 người đã ra viện và 7 người sẽ xuất viện ngày 29 – 30/3. 51 bệnh nhân đang điều trị tại nhiều cơ sở y tế có kết quả xét nghiệm âm tính 1 – 4 lần…

Sáng ngày 29/3, Bộ Y tế xác nhận thêm 5 trường hợp dương tính mới, trong đó 4 ca liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai đến nay ghi nhận 16 ca nhiễm COVID-19.

Các bệnh nhân từ 175 đến 178 đều làm việc tại công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, tiếp xúc với nhiều người tại viện. Họ gồm một nam 57 tuổi và ba nữ 38 tuổi, 49 tuổi và 44 tuổi.

Ca bệnh còn lại được ghi nhận sáng nay đã cách ly ngay sau khi nhập cảnh là “bệnh nhân 179”, 62 tuổi, ở Hà Đông, TP. Hà Nội. Người này từ nước ngoài về trên chuyến bay EK394, nhập cảnh ngày 18/3, cách ly tập trung ở tỉnh Thanh Hóa. Mẫu xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định dương tính. Hiện tại bệnh nhân và những người tiếp xúc gần được cách ly riêng tại khu cách ly, sức khỏe ổn định.

Bộ Y tế đề nghị tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ ngày 12 tới 27/3 thực hiện các biện pháp sau đây:

– Gửi tin nhắn thông báo họ tên đầy đủ và địa chỉ nơi ở của mình vào số điện thoại 8889;

– Liên lạc với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tại địa phương để được tư vấn;

– Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến tại tokhaiyte.vn, thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe để được tư vấn và trợ giúp.

Liên quan đến tình hình phòng chống dịch bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, Báo điện tử TBCK Việt Nam dẫn bài trả lời phỏng vấn của Phó Giám đốc Bệnh viện – Dương Đức Hùng trên zing.vn thông tin về vấn đề này.

Kịch bản đã tính trước

– Bộ Y tế vừa công bố thêm các ca mắc tại Bệnh viện Bạch Mai. Đến nay, tổng cộng 12 ca mắc liên quan tới bệnh viện. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

– Chúng tôi xác định lây nhiễm là việc chỉ có thể dự phòng và chúng tôi dự phòng tối đa, nhưng không thể tránh khỏi và phải chấp nhận. Vấn đề là thái độ của mình xử trí như thế nào.

Đối với những người đã, đang và tiếp tục mắc bệnh, làm sao để có thể cho họ được chăm sóc, theo dõi trong điều kiện tốt nhất. Làm sao để cho những người đang tiếp tục ở đây có thể yên tâm, cảm thấy rằng vẫn có một hậu phương – chính là bệnh viện ở đằng sau – để họ vững tin vào cuộc chiến này.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng

– Trên thế giới, tỷ lệ bác sĩ nhiễm tử vong do COVID-19 cao. Khi nhân viên của mình nhiễm bệnh, ông có cảm thấy lo lắng không?

– Thực ra, nếu mà nói không lo thì không đúng. Lo là vì số người bị mắc nhiều lên và đồng nghĩa số tử vong nhiều lên. Lo vì mình, nhân dân mình chưa làm tốt công tác phòng, lo vì truyền thông làm chưa tốt, lo vì nhận thức chưa tốt.

Không chỉ riêng tôi mà tất cả người làm ngành y cũng có những cái lo. Đó là làm thế nào để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ mình được giao trong việc chống dịch.

Dù vậy, tôi thấy bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên của mình chưa một ai tỏ ra sợ lây bệnh, mặc dù trên thực tế, nhân viên y tế đã bị lây nhiễm, thậm chí tử vong.

Đây không phải lần đầu tiên chúng ta có dịch. Qua những vụ dịch đó, chưa có một lời kêu, lo lắng một cách thái quá của nhân viên y tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Bệnh viện Bạch Mai lập tức thực hiện các biện pháp kiểm soát, tạm dừng đón tiếp bệnh nhân, thực hiện cách ly toàn bệnh viện để bảo đảm an toàn. Ảnh: Việt Linh.Không chùn bước

– Những ngày này, cuộc sống của nhân viên bệnh viện có xáo trộn không? Tâm lý của họ ra sao?

– Bên cạnh những công việc của cơ quan, chúng tôi cũng là một người bình thường, phải lo toan công việc khác. Do đòi hỏi của công việc, đặc biệt là trong giai đoạn dịch, hầu như tất cả cán bộ đều về muộn, chẳng ai về sớm được.

Ngoài quá tải công việc ở cơ quan, chúng tôi vẫn phải lo công việc ở nhà. Như vậy, nỗ lực đòi hỏi cao hơn nhiều so với ngành nghề khác.

“Tôi thấy con trai làm mặt nạ bằng tấm nylon để bố mang đến cơ quan. Cháu đã để xem, đọc trên phương tiện truyền thông, bắt đầu biết lo lắng cho người xung quanh. Nếu ai cũng có nhận thức như đứa trẻ 13 tuổi, việc cách ly sẽ rất tốt”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng.

Mặc dù tình hình đang phức tạp hơn và một số người phản ứng tiêu cực, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai chưa một ai nao núng. Trong trường hợp phải điều trị cho người dương tính, 600-700 cán bộ nhân viên đăng ký tình nguyện tham gia. Họ ý thức trách nhiệm đối với nhân dân, cộng đồng và nghề nghiệp. Họ cũng được tập huấn để hiểu về cách thức lây nhiễm để phòng chống.

Tình huống xấu là một ngày đi làm, phát hiện bản thân dương tính, rồi đi cách ly và có thể diễn biến nặng lên, thậm chí tử vong. Nhưng, chúng tôi không chùn bước. Chúng tôi làm tất cả việc đó, thức đêm hôm không phải vì trợ cấp dịch, mà đó chính là trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với bệnh nhân.

Từ đầu dịch đến giờ và ngay khi có nhân viên y tế bị phơi nhiễm, chúng tôi chưa bao giờ có cảm giác mình đơn độc. Chúng tôi luôn nhận được những lời động viên rất kịp thời của lãnh đạo Bộ Y tế, của bè bạn đồng nghiệp và thậm chí cả từ những bệnh nhân cũ.

Điều đó có giá trị động viên tinh thần rất lớn. Đó chính là động lực để hôm nay chúng tôi đầy tinh thần, cũng như gạt hết mọi khó khăn lo âu sang một bên để tiếp tục làm việc một cách hiệu quả.

– Ông và bệnh viện có gặp khó khăn gì trong quá trình dập dịch COVID-19?

– Chùn bước thì chưa bao giờ nhưng cũng có khoảnh khắc chạnh lòng. Thời điểm dịch mới bắt đầu nóng lên, khẩu trang trở thành vấn đề bức bối, do chúng ta chưa chuẩn bị được cơ số để đáp ứng nhu cầu tăng lên một cách đột biến. Tôi tham gia xây dựng kịch bản chống dịch, trong đó, có cả tình huống dịch trở nên phức tạp, nhân viên y tế phải đeo khẩu trang vải.

Ban lãnh đạo bệnh viện phải liên hệ để mua khẩu trang vải. Trong khi đó, tôi thấy có rất nhiều người đi đường đeo khẩu trang N95 nên rất chạnh lòng. Chúng tôi đang là chiến sĩ mà không có vũ khí. Nhưng tất cả thứ đó cũng nhanh chóng qua đi. Bây giờ, nó không còn là vấn đề nóng nữa.

Trong quá trình nóng lên cùng dịch, ngành y tế cũng như cá nhân tôi, nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, thăm hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp. Thậm chí, những bệnh nhân cũ cũng hỏi han, căn dặn “anh giữ sức khỏe nhé”. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy mình không đơn độc.

Thông qua rất nhiều nghĩa cử của những cá nhân, tổ chức đến trao khẩu trang, có người tặng vài trăm cái…, về giá trị vật chất không quá lớn nhưng giá trị về tinh thần thì vô cùng to lớn.

Theo Quốc Trung/Thời báo Chứng khoán

Nguồn: https://tbck.vn/cung-benh-vien-bach-mai-chong-dich-covid-19-63084.html