QC 1
Thứ 3, ngày 19/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đã có 76 tổ chức tín dụng áp dụng Basel II

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội cho biết, việc triển khai chuẩn mực Basel II đang được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến nay, có 76 tổ chức tín dụng (2 ngân hàng thương mại nhà nước, 20 ngân hàng thương mại cổ phần, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, còn 14 TCTD đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.

Cụ thể, Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn theo Phương pháp tiêu chuẩn của Basel II (hiệu lực từ 01/01/2020). Theo đó, ngân hàng, chi nhánh NHNNg phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% (khác với Basel I, công thức tính tỷ lệ an toàn vốn được bổ sung vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường ngoài vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng theo quy định hiện hành). Quảng cáo

Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để một số các TCTD chưa thực hiện được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN kể từ ngày 01/01/2020 xây dựng lộ trình phù hợp (nhưng không quá thời hạn 03 năm) để thực hiện theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.

Trên thực tế, để đáp ứng chuẩn mực của Basel II, các ngân hàng thời gian qua đều rất nỗ lực để cải thiện năng lực về vốn. Như BIDV đã hoàn thành bán chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài với giao dịch trị giá 20.300 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ của BIDV lên 40.220 tỷ đồng, qua đó giúp ngân hàng này chính thức áp dụng Basel II từ 1/12/2019.

Hay mới đây, SHB đã phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng, vốn tự có lên gần 34.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc SHB chia sẻ, việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, qua đó sẽ giúp SHB tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ… Đồng thời, việc tăng vốn là cơ sở để ngân hàng hoàn tất đầy đủ toàn bộ các trụ cột của Basel II.

Không chỉ đáp ứng được yêu cầu về vốn theo Thông tư 41 mà đến nay đã có không ít ngân hàng tuyên bố đã hoàn tất cả ba trụ cột của Basel II như MSB, VIB, VPBank, TPBank.

Theo Tuệ Minh/Thương Gia

Nguồn: http://thuonggiaonline.vn/da-co-76-to-chuc-tin-dung-ap-dung-basel-ii-31438.htm