QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đại biểu Quốc hội nói gì về phương án đầu tư Dự án sân bay Long Thành?

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng: “Ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như sân bay Long Thành”.

Chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Ngay sau đó, các ĐBQH làm việc tại tổ, cho ý kiến vào báo cáo này.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo của Chính phủ là đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư – khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước. ACV cũng sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không. Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, Tổng Công ty Quản lý bay VN (VATM) được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thị sát Dự án sân bay Quốc tế Long Thành 
Đáng nói, ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như sân bay Long Thành.

Khả năng cân đối vốn dự án của ACV?

Liên quan đến tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, tổng mức đầu tư dự kiến (bao gồm: Chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay) hơn 111,6 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4,7 tỷ USD.

Được biết, trong số hơn 4,7 tỷ USD này, ACV cần huy động hơn 98 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 4,2 tỷ USD. VATM cần huy động hơn 3.200 tỷ đồng.

Dẫn nguồn Báo Giao thông, đến ngày 31/12/2018, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt là 24.268 tỷ đồng; trong giai đoạn 2019 – 2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, ACV đã bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.

Số vốn ACV phải đi vay khoảng hơn 2,6 tỷ USD. Vừa qua, ACV đã làm việc với các tổ chức tài chính (Ngân hàng và các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài) quan tâm đến dự án đầu tư xây dựng CHK Long Thành giai đoạn 1 để thu xếp phần vốn huy động.

Đến thời điểm hiện tại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5 – 5,5%/năm, thông qua các hình thức: Vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agreement) áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, ACV cũng đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.

Các đại biểu nói gì về dự án?
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính: Ủng hộ doanh nghiệp trong nước, chỉ cần minh bạch

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính

Về chỉ định thầu hay đấu thầu dự án sân bay Long Thành, cần thực hiện theo luật, đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch, khách quan. Chúng ta ai cũng sốt ruột vì chủ trương lâu rồi nhưng chậm triển khai. Tuy nhiên, vẫn cần cân nhắc kỹ tìm nguyên nhân để đưa ra giải pháp đúng quy định, đúng thẩm quyền.Các đại biểu ủng hộ doanh nghiệp trong nước, ủng hộ doanh nghiệp Nhà nước nhưng phải làm sao đúng quy định để công khai, minh bạch, khách quan.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Thuê giám sát ngoại để tránh “dây dưa quan hệ”

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng nên giao cho các doanh nghiệp Nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện sẽ thấy yên tâm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Tuy nhiên, công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công… Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu chúng ta không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi xảy ra những vụ việc phát sinh, xử lý hậu quả sẽ khó lường.

Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT cần hết sức quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ dây dưa có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án. Nếu kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì khắc phục những hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn, vừa không mất tiền của Nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý cán bộ.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng): Báo cáo nghiên cứu khả thi rất bài bản

Chúng tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi dự án CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trình Quốc hội, rất bài bản. Chúng ta đã nhờ các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp trong đó có cả tư vấn đến từ Nhật, Pháp.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Đã đến lúc, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành vì hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, đe dọa đến an ninh an toàn bay, cũng như vấn đề thu hút nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Theo kế hoạch, đến năm 2025, phải đưa giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành vào khai thác.

Dự án này là một trong những dự án có yếu tố an ninh quốc phòng rất quan trọng, nên việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư thực hiện dự án rất cần thiết. Về việc giao ACV làm chủ đầu tư khai thác, có chút lấn cấn là đơn vị này đã cổ phần hoá, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm trên 95%. Vì lẽ đó, Chính phủ không thể chỉ định nhà đầu tư, mà phải trình Quốc hội. Tôi ủng hộ phương án này, để Quốc hội có 1 Nghị quyết và nên giao cho ACV là chủ đầu tư.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Quan tâm hơn đến đô thị sân bay, tránh tự phát

Ai cũng biết, đấu thầu là phương thức rất phù hợp với xu thế hiện nay, nhưng rõ ràng trong thực tế, Luật Đấu thầu đã nảy sinh những vấn đề rất khó và tế nhị, nhất trong bối cảnh hiện nay người ta rất e ngại an ninh quốc phòng. Khi chúng ta dùng giải pháp giao cho các doanh nghiệp nhà nước, tôi đề nghị phải tạo thuận lợi tối đa và giám sát thật chặt.

ĐBQH Dương Trung Quốc

Ngoài ra, xung quanh sân bay sẽ trở thành 1 đô thị rất lớn, hiện giá đất ở đây đã tăng rồi. Chính phủ cần quan tâm đến chuyện đó, nếu không sẽ rất lộn xộn.

Thực tế địa phương đang đứng trước tình trạng “tiền có mà không thực hiện được”, vì chưa có cơ chế. Triển khai dự án phải tiếp xúc với dân, nên cần cố gắng đền bù tập trung cùng một lúc và tránh sự bất công.