QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

‘Đại thảm họa’ cháy rừng tại Australia có thể kéo dài trong vài tháng

Bắt đầu từ tháng 9/2019, những vụ cháy rừng ở Australia đến nay đã bùng lên dữ dội và gần như nhấn chìm cả đất nước này trong biển lửa, đặc biệt là hai tiểu bang New South Wales và Victoria. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng cảnh báo tình trạng này có thể kéo dài trong vài tháng tới.

Nhiều người dân New South Wales đã phải chuyển đến các trung tâm sơ tán vì cháy rừng. (Ảnh: Reuters)

Theo BBC, tính đến nay đã có ít nhất 24 người thiệt mạng do nạn cháy rừng. Cuối tuần qua, chất lượng không khí đo tại thủ đô Canberra được đánh giá là thấp nhất thế giới. Đây cũng là những ngày đỉnh điểm của sự khủng hoảng khi có thêm hàng trăm ngôi nhà bị thiêu rụi. Bầu trời tại vùng nông thôn cũng như các thành phố lớn luôn chìm trong sắc đỏ kèm theo khói và tro bụi tràn ngập trong không khí.

Vào ngày 5/1, tình trạng cháy rừng tại Victoria và New South Wales đã cải thiện, tuy nhiên các nhà chức trách vẫn lên tiếng cảnh báo nguy hiểm chưa thể bị dập tắt. Thống đốc bang New South Wales, Gladys Berejiklian cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm xử lý điều này. Chúng tôi không thể giả vờ rằng đây là tình huống mà chúng tôi đã trải qua”.

Ông John Steele, 73 tuổi, đã phải cùng vợ sơ tán khỏi trang trại của mình ở phía bắc Eden vào 4/1. Tâm sự với phòng viên của AFP news, ông nói: “Tầm nhìn hiện giờ xuống chỉ còn trong khoảng xa nhất 50 mét, tro bụi bay mù mịt. Ngoài trời vẫn đỏ rực kìa, chúng tôi vẫn chưa thoát được đâu!”.

Bầu trời chuyển sang màu đỏ do khói bụi của Thung lũng tuyết ở ngoại ô Cooma hôm 4/1. Cảnh tượng khiến nhiều người liên tưởng tới ngày tận thế. (Ảnh: Daily Mail)

Tổng thống Morrison nhận định rằng các đám cháy có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng, và ủy ban khắc phục mới được thành lập sẽ hoạt động trong vòng ít nhất hai năm nhằm khôi phục các khu dân cư bị thiệt hại từ việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng cho tới hỗ trợ tâm lý cho những nạn nhân. Tổng thống đã phải hủy bỏ chuyến công du tới Ấn Độ nhằm tập trung đối phó với khủng hoảng và đã điều động quân đội với quy mô chưa từng có trong lịch sử với 3000 binh sĩ tới hỗ trợ những người lính cứu hỏa tình nguyện đang dần kiệt sức.

Tuy nhiên, ông này vẫn vấp phải chỉ trích sau khi người đứng đầu tổ chức cứu hỏa NSW Rural Fire Service cho biết tổ chức này chỉ nhận được tin sẽ có quân đội trợ giúp qua giới truyền thông. Nữ hoàng Anh lên tiếng rằng đám cháy đã khiến cho bà vô cùng đau buồn, đồng thời Nữ hoàng cũng lên tiếng cám ơn những lực lượng chữa cháy và cứu nạn đã mạo hiểm tính mạng mình để giúp đỡ cộng đồng.

Một con chuột túi nhỏ bị thiêu chết tại Cudlee Creek. (Ảnh: Brad Fleet / The Advertiser)

Một cuộc gây quỹ cho lực lượng cứu hỏa được phát động bởi diễn viên hài Celeste Barber vào thứ sáu (3/1) vừa qua. Trên Facebook cá nhân, cô kêu gọi: “Xin mọi người hãy giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Điều này thật kinh khủng!”, và chỉ trong vòng 48h, quỹ này đã vận động quyên góp được hơn 20 triệu USD. Barber gọi con số này là “một điều phi thường” và cho biết số tiền sẽ được chuyển đến những người lính cứu hỏa qua quỹ Bridages Donation Fund và tổ chức cứu hỏa tình nguyện NSW Rural Fire Service.

Một số những người nổi tiếng cũng đã quyên góp tiền hỗ trợ lực lượng cứu hỏa, trong đó có ca sĩ Pink và diễn viên Nicole Kidman với số tiền quyên góp lên đến 500.000 USD. Tin tức về những khoản quyên góp đã được người dân Australia ca ngợi trên mạng xã hội. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng chính phủ nên bỏ ra số tiền này thay vì để cho những cá nhân phải lên tiếng kêu gọi giúp đỡ.

Những bức ảnh chụp từ không gian cho thấy mức độ tàn khốc của các đám cháy rừng ở Australia. (Ảnh: Mirror)

Gần 200 vụ cháy rừng vẫn đang diễn ra trên khắp lãnh thổ nước Australia, thiêu rụi hơn 1.200 ngôi nhà cũng hàng triệu hecta đất. Ở New South Wales, hàng chục ngàn ngôi nhà đã bị bỏ hoang và hàng ngàn người dân đã phải sơ tán khỏi những thành phố ven biển trong tuần qua. Phó thống đốc bang John Barilaro nhận định với phóng viên ABC News rằng sự việc này là “một thảm họa khủng khiếp”.

Theo Phương Nguyên/Kinh tế Môi trường

Xem bài gốc