QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đảm bảo an ninh tiền tệ cho nền kinh tế Việt Nam là xu hướng tất yếu

Theo Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh đến hết ngày 30/9/2019.

Theo ông Ngô Đăng Khoa – Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam: Đảm bảo an ninh tiền tệ cho nền kinh tế Việt Nam

Những thay đổi này sẽ hạn chế việc vay ngoại tệ của các DN nhập khẩu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, buộc các DN phải chuyển qua vay VND để mua ngoại tệ thanh toán tiền hàng nhập khẩu. Hiện lãi suất vay vốn VND cao hơn lãi suất vay USD khoảng 3% – 4%, trong khi tỷ giá năm nay dự kiến biến động khoảng 2%. Vì thế chi phí vay vốn bằng VND của DN có tăng nhưng sẽ không nhiều.

Sau hơn 9 tháng triển khai Thông tư số 42/2018/TT-NHNN, việc dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn không ảnh hưởng nhiều đến các DN. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra ổn định. Có được điều này nhờ vào lộ trình áp dụng rõ ràng, giúp DN có thời gian điều chỉnh kế hoạch.

Việc NHNN siết chặt dần tín dụng ngoại tệ là để thực hiện chủ trương chống đôla hoá mà Chính phủ đã đề ra. Theo đó, Chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Chính phủ, đặt mục tiêu cụ thể giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc VIB: Nỗ lực giảm đôla hóa trong nền kinh tế

Quy định thắt chặt cho vay ngoại tệ của NHNN nằm trong lộ trình dài hơi chống đôla hóa của NHNN. Từ năm 2012, NHNN đã có chủ trương siết chặt tín dụng ngoại tệ với một số nhu cầu, thay vì cởi mở hoàn toàn như trước. Rồi đến chính sách huy động USD với lãi suất 0%/năm. Đặc biệt, giá trị đồng VND duy trì ổn định trong những năm qua, trong khi chênh lệch lãi suất VND với USD không còn lớn… khiến cho dư địa dùng đòn bẩy tài chính dựa trên biến động tiền tệ của DN không còn nhiều như trước kia…

Trước những thông điệp đó, DN cũng hiểu rằng chính sách của NHNN đối với tín dụng ngoại tệ sẽ theo chiều hướng thắt chặt lại, buộc DN phải chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, thay vì trông chờ vào vay ngoại tệ sẽ chuyển sang vay tiền đồng. Phạm vi đối tượng được vay ngoại tệ ngày càng thu hẹp lại đồng nghĩa với dư nợ ngoại tệ tại các ngân hàng giảm. Tuy nhiên hiện dư nợ ngoại tệ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ của các ngân hàng, ví dụ tại VIB dư nợ ngoại tệ chỉ chiếm 3,3%, nên khi triển khai quy định tại Thông tư 42 không tác động diện rộng lên thị trường cũng như chỉ tác động rất ít đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Do vậy, việc hạn chế cho các DN nhập khẩu vay ngoại tệ thực chất giảm đi phần cung – cầu ngoại tệ ảo. Xét ở góc vĩ mô, điều này chắc chắn rất tốt đảm bảo sự phát triển bền vững và là một trong những nỗ lực lớn giảm đôla hóa trong nền kinh tế của NHNN.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia ngân hàng: Một quyết định đúng đắn

Có thể nói, 5 năm qua, nhờ tính nhất quán, quyết liệt thực thi chính sách tiền tệ của NHNN đã giúp lòng tin của người dân vào đồng VND tiếp tục được duy trì. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để giảm đôla hóa trong nền kinh tế một cách bền vững, không chỉ mình ngân hàng làm được mà cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các bộ, ngành. Trong đó quan trọng nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Một nền kinh tế phát triển bền vững, đồng tiền có giá trị, khi đó các thành phần kinh tế không còn lo lắng quan tâm, mong muốn ngoại tệ khác ngoài VND.

VND/USD sẽ như thế nào đến cuối năm?

Quan sát thấy trong thời gian qua, trong khi tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh lên những mốc kỷ lục mới, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại lại rất “dửng dưng”, thậm chí nhiều phiên ngược chiều đi xuống. Giá mua bán USD trên liên ngân hàng thời gian qua cũng ổn định, thậm chí tiền đồng còn có xu hướng đi lên.

Theo nhận định của chứng khoán SSI, nguyên nhân quan trọng nhất giúp cho VND giữ được sự ổn định trong thời gian qua và từ nay đến cuối năm là nhờ nguồn cùng USD dồi dào trong bối cảnh cán cân thương mại 8 tháng thặng dư 3,4 tỷ USD, giải ngân vốn FDI tăng trưởng mạnh, đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo SSI, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử, khoảng 70 tỷ USD, là tấm đệm giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá.

Chưa kể, các thương vụ bán vốn cổ phần lớn cuối năm sẽ hỗ trợ nguồn cung USD, có thể kể đến việc bán vốn của Vietcombank, thương vụ bancassurance với khoản trả trước lên tới 400 triệu USD của nhà băng này. Ngoài ra, BIDV dự kiến sẽ nhận tiền bán cổ phần cho Keb Hana Bank trong tháng 10 tới đây, tổng giá trị giao dịch ước tính hơn 20.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, HSBC mới đây dự báo tiền đồng so với USD vào cuối năm nay sẽ ở mức 23.550 VND/USD, tăng khoảng 1,6% so với đầu năm. Tức theo dự báo này, từ nay đến cuối năm, giá mua bán USD sẽ tăng khoảng 300 đồng. HSBC còn đưa ra dự báo giá nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc năm 2019 ở khoảng 7,2 CNY đổi được một USD. Ông Phạm Hồng Hải, nguyên TGĐ HSBC Việt Nam cho rằng hiện nay tỷ giá USD/CNY vẫn đang nằm trong ngưỡng có thể chấp nhận được nhưng nếu vượt qua ngưỡng này sẽ xảy ra hoảng loạn.

Theo Văn Khương/Thời báo chứng khoán