QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đạm Cà Mau đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 ‘thụt lùi’

Nếu so với con số thực hiện năm 2018 (doanh thu trên 7.000 tỷ đồng) thì kế hoạch doanh thu năm 2019 của Đạm Cà Mau cũng “thụt lùi”. Còn về lợi nhuận, mức 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chỉ bằng khoảng một nửa so với con số thực hiện năm 2018.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) vừa công bố các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2019 với mục tiêu đạt 6.924 tỷ đồng doanh thu và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Phía Đạm Cà Mau cho biết, so với kế hoạch năm 2018 thì kế hoạch năm 2019 ghi nhận mức tăng hơn 10% về doanh thu nhưng lợi nhuận sẽ giảm so với các năm trước đây.

Thực tế, nếu so với con số thực hiện năm 2018 (doanh thu trên 7.000 tỷ đồng) thì kế hoạch doanh thu năm 2019 của Đạm Cà Mau cũng “thụt lùi”. Còn về lợi nhuận, mức 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chỉ bằng khoảng một nửa so với con số thực hiện năm 2018.

Phía Đạm Cà Mau cho biết nguyên nhân của kế hoạch lợi nhuận giảm là do 2019 là năm đầu tiên công ty áp dụng giá khí mới khi nhà máy vẫn còn trong giai đoạn khấu hao với chi phí khá lớn.

Cùng với đó, kế hoạch trên cũng là để phòng ngừa rủi ro liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các ảnh hưởng của CP-TPP, nguồn cấp khí có thể sẽ suy giảm và biến đổi khí hậu trong năm 2019 sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ phân bón tại các thị trường.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2018, lãnh đạo Đạm Cà Mau cũng đã cho biết 2019 được dự báo là một năm có nhiều khó khăn, khi nguồn khí đầu vào có nguy cơ không đảm bảo vận hành 100% công suất nhà máy, thị trường phân bón trong nước và khu vực cung vượt cầu, nhu cầu phân bón giảm do chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

Nhằm ứng phó với khó khăn, Đạm Cà Mau đã đề ra các giải pháp trọng tâm trên các mặt hoạt động. Trong đó, năm 2018, Đạm Cà Mau đã đàm phán mua khí pemeate gas từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau sẽ thay thế khoảng 2,5% nhu cầu khí cho Nhà máy Đạm Cà Mau, dự án này sẽ được đẩy nhanh thực hiện trong năm 2019.

“Công ty cũng tiếp tục tăng cường tiết giảm tối đa tiêu hao nguyên liệu; tăng cường công tác tự doanh, nghiên cứu nguyên liệu thay thế, đa dạng hóa sản phẩm không dùng nguyên liệu khí,…”, phía Đạm Cà Mau cho biết

Lãnh đạo Đạm Cà Mau kiến nghị PVN và các cấp có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ để sớm thông qua phương án giá khí hợp lý cho Đạm Cà Mau trong giai đoạn 2019 – 2023; cung cấp đủ lượng khí đảm bảo cho Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành ổn định ở 100% công suất thiết kế.

Năm 2018, Đạm Cà Mau nắm khoảng 60% thị phần khu vực Tây Nam Bộ, Campuchia khoảng 35%, Tây Nguyên và Đông Nam bộ thị phần tăng từ mức 18% (năm 2017) lên 25%, bước đầu xâm nhập thị trường miền Trung – Bắc với thị phần khoảng 5%.

Trong một diễn biến gần đây, ông Trần Ngọc Nguyên – nguyên Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Đạm Cà Mau. Đổi lại, ông Bùi Minh Tiến được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc BSR.

Theo Thanh Long/VietnamFinance