QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đạm Cà Mau (DCM) lãi hơn 400 tỷ sau nửa đầu năm

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) mới đây đã chia sẻ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, ghi nhận lãi 411 tỷ đồng trước thuế, gần gấp đôi kế hoạch năm khi chỉ vừa kết thúc hai quý.

dam ca mau dcm lai hon 400 ty sau nua dau nam
(Ảnh minh họa)

Cụ thể, 6 tháng đầu năm DCM ước doanh thu 4.339 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 411 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.

Với kết quả này, Đạm Cà Mau đã thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu năm và vượt 95% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Trong nửa đầu năm, tổng lượng sản xuất của Đạm Cà Mau đạt 456.000 tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ đạt 421.000 tấn, lần lượt bằng 53% và 37% chỉ tiêu sản lượng năm.

dam ca mau dcm lai hon 400 ty sau nua dau nam
Kế hoạch sản lượng năm 2021 của Đạm Cà Mau. (Nguồn: DCM).

Theo đại diện Đạm Cà Mau, 6 tháng đầu năm 2021 được xem là một năm “chưa từng có tiền lệ” trong vòng 10 năm qua khi giá các sản phẩm phân bón nói chung và ure nói riêng có sự tăng đột biến, khó kiểm soát.

Nửa đầu năm 2021 việc vận hành nhà máy bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi nguồn cấp khí nguyên liệu, song công suất vận hành nhà máy trong quý II vẫn đạt trên 110% đủ để bù đắp sản lượng hụt trong quý I và đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Thực tế 6 tháng vừa qua, giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp đã tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%,…theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV).

Giải thích giá phân bón leo thang, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất Lưu Hoàng Ngọc nhận định: “Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy chu kỳ giá của phân bón thì cứ khoảng 10 năm sẽ có độ tăng giá. Năm nay cũng giống như năm 2008 là chu kỳ giá đi lên.

Việc giá đi lên có rất nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất, so với cùng kỳ năm ngoái, giá vận chuyển hàng container đã tăng gấp 5 lần. Trong khi đó, phân bón về Việt Nam gồm có DAP, MAP và ure hầu hết được vận chuyển bằng container”.

Thời gian tới, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau lên kế hoạch thay đổi mô hình kinh doanh để mở rộng thị trường; cụ thể là chuyển động theo xu hướng sử dụng NPK chất lượng cao kết hợp phân hữu cơ vi sinh song song cung ứng giải pháp nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2025, mức độ nhận biết thương hiệu Đạm Cà Mau của khách hàng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Campuchia đạt ít nhất 65%.

DCM cũng sẽ đa dạng hóa các nhóm sản phẩm phân urê, NPK, phân vi sinh, hữu cơ, kinh doanh phân bón khác, thực hiện các dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ bảo trì, vận hành. Cùng với đó, Công ty đặt kế hoạch tiếp cận nhanh với xu hướng công nghệ, từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu khí đầu vào cho sản xuất…

Đến năm 2025, tổng doanh thu dự kiến đạt 15.000 tỷ đồng, sản lượng urê đơn vị đạt 115% so với sản lượng thiết kế cũng như tìm kiếm được nguyên liệu đầu vào thay thế thay thế các nguồn khí hiện có…

Ngoài ra, DCM đã có lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Tập đoàn Dầu khí (PVN) từ 75,56% xuống 51% vốn.

Theo Thu Thủy/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/dam-ca-mau-dcm-lai-hon-400-ty-sau-nua-dau-nam-97798.html