QC 1
Thứ 3, ngày 16/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đạm Phú Mỹ (DPM) ước lãi tăng hơn 95% sau 9 tháng

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo, Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM – sàn HOSE) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng với doanh thu đạt gần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 92% và 95,6% so với thực hiện năm trước.

Nửa đầu năm, Đạm Phú Mỹ đã ghi nhận doanh thu 10.935 tỷ đồng, lãi trước thuế 4.156 tỷ đồng. Như vậy ước tính quý III doanh thu công ty là 4.065 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.144 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tăng so với cùng kỳ nhưng thấp nhất trong 4 quý gần đây. Tuy nhiên, quý III thường có lợi nhuận thấp hơn các quý còn lại do yếu tố mùa vụ.

Đạm Phú Mỹ (DPM) ước lãi tăng hơn 95% sau 9 tháng

Kết thúc quý 3, nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc công ty đã sản xuất gần 900.000 tấn phân bón và hóa chất các loại, vượt xa so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021. Sản lượng các sản phẩm chính như phân urê đạt hơn 680.000 tấn, phân NPK là gần 140.000 tấn, NH3 thương mại khoảng hơn 50.000 tấn. Nhờ có nguồn cung dồi dào nên tổng sản lượng kinh doanh phân bón và hóa chất các loại đạt gần 940.000 tấn.

Năm 2022 do tình hình chính trị – kinh tế bất ổn trên thế giới nên giá phân bón biến động khó lường. Ở thị trường trong nước, giá vật tư cho nông nghiệp tăng cao, giá nông sản bấp bênh, tiêu thụ khó khăn tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp, khiến việc kinh doanh phân bón gặp không ít trở ngại do sức mua rất yếu.

Tuy nhiên, PVFCCo đã kịp thời nắm bắt tốt cơ hội giá phân bón trên thế giới tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu sau khi đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước.

Lượng xuất khẩu 9 tháng năm 2022 đạt khoảng 155 nghìn tấn, tăng gấp 3 lần so với kế hoạch cả năm, góp phần quan trọng trong gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong 9 tháng của năm 2022.

Để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022, PVFCCo tiếp tục triển khai các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn, ổn định, hiệu quả và tiết kiệm. PVFCCo cũng tiếp tục vận hành nhà máy đạm Phú Mỹ, xưởng sản xuất NPK và xưởng sản xuất UFC 85/Formaldehyde đảm bảo an toàn, ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, PVFCCo xây dựng giải pháp khắc phục các khó khăn trong vận hành sản xuất, kinh doanh sản phẩm NPK để hoàn thành vượt mức kế hoạch, nỗ lực phấn đấu đạt sản lượng sản xuất, kinh doanh NPK đến 200 nghìn tấn trong năm 2022 nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư dự án, hướng tới sản xuất kinh doanh NPK 250 nghìn tấn/năm, hiệu quả kinh tế như kỳ vọng của dự án vào những năm tiếp theo.

Trước tình hình giá khí thế giới tăng cao, PVFCCo sẽ tìm kiếm nguồn khí ổn định với sản lượng ổn định và giá bán dài hạn cho sản xuất đạm, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng đó, giải pháp tăng cường công tác quản lý chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp tục được PVFCCo tập trung triển khai.

Đối với thị trường, PVFCCo tăng cường công tác bán hàng; duy trì lượng hàng tồn kho hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển thị trường kinh doanh sản phẩm NPK Phú Mỹ, tăng cường tiếp thị và truyền thông để định hình thương hiệu NPK Phú Mỹ cả về mẫu mã và chất lượng; xây dựng hệ thống phân phối phân bón bền vững trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường nước ngoài.

Sang năm 2023, các chuyên gia phân tích kỳ vọng giá dầu/khí và giá than có thể giảm từ mức nền cao trong năm 2022 và Nga cùng Trung Quốc sẽ xuất khẩu urê nhiều hơn so với năm 2022. Do đó, ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 lần lượt đạt 16.700 tỷ đồng (giảm 5%) và 4.600 tỷ đồng (giảm 12%).

Theo Đức Chiến/Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/dam-phu-my-dpm-uoc-lai-tang-hon-95-sau-9-thang-152272.html