QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dân đổ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng để ăn lãi suất cao

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu tiền gửi của khách hàng tính đến cuối tháng 10. Theo đó, tiền gửi dân cư có mức tăng mạnh.

Đây là hiệu ứng được lường trước khi lãi suất huy động liên tục được đẩy lên cao và hiện đã chạm mốc 12%.

Cụ thể, trong tháng 10, các ngân hàng thương mại huy động lượng tiền gửi dân cư tăng thêm 22.000 tỷ đồng so với tháng trước, lên 5,66 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng huy động vốn khu vực dân cư trong tháng 10 cũng tăng 0,4%, lên 6,78% so với cuối năm 2021. Tốc độ này cao hơn so với những tháng trước khi các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động.

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10, hệ thống ngân hàng đã huy động được hơn 360.000 tỷ đồng từ dân cư.

Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 10 lại sụt giảm 15.811 tỷ đồng, xuống còn hơn 5,766 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng tiền gửi của khối tổ chức kinh tế cũng giảm xuống còn 2,15%.

Tổng phương tiện thanh toán tới cuối tháng 10 là 13.815.145 tỷ đồng. Tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán cũng sụt giảm. Tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán trong tháng 10 chỉ còn 3,08% thay vì 3,21% của tháng 9. Do tổng phương tiện thanh toán tháng 10 giảm nên kéo mức tăng so với cuối năm 2021 còn 413.000 tỷ đồng.

Vào cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1%. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động dưới 6 tháng lên mức kịch trần.

Những tháng cuối năm 2022, cuộc đua lãi suất tiền gửi luôn được hâm nóng. Lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng không ngừng tăng lên tại các ngân hàng thương mại. Mức lãi suất 9-10% không còn hiếm trên thị trường. Thậm chí, hiện có ngân hàng đẩy lãi suất cao nhất vượt xa mức 12%.

Theo dự báo, lãi suất tháng 11 và 12 tăng cao nên lượng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng trong những tháng này sẽ tiếp tục tăng.

Tại cuộc họp ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, vừa qua, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay. Do đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các ngân hàng hội viên để thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất), nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động.

Theo Mai Anh/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/dan-do-tien-gui-tiet-kiem-ngan-hang-de-an-lai-suat-cao-20180504224278854.htm