QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dấu ấn một nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có gì?

Dù còn nhiều lời hứa đang “nợ” người dân, tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình trên cương vị Tư lệnh ngành giao thông vận tải (GTVT), ông Nguyễn Văn Thể đã có những dấu ấn không nhỏ.

Dấu ấn một nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có gì?

Rõ nét hình hài cao tốc Bắc – Nam

Càng về cuối nhiệm kỳ, dấu ấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể được thể hiện rõ hơn khi hàng loạt các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam được khởi công, qua đó, tạo nên hình hài tuyến cao tốc “xương sống” của đất nước.

Trước đó, tháng 9/2019, cao tốc Cam Lộ – La Sơn đã chính thức được khởi công. Liên tiếp sau đó là các đoạn tuyến Cao Bồ – Mai Sơn dài 15km đi qua địa phận Nam Định và Ninh Bình được thi công và dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.

Đến tháng 9/2020, nhờ được chuyển mô hình sang đầu tư công nên các đoạn cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 dài 63,4km từ Ninh Bình đến Thanh Hóa tiếp tục được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

Ở chiều ngược lại, đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn đã hoàn thành và đưa vào khai thác 167km (4 làn xe) từ Hà Nội đến Chi Lăng (Lạng Sơn). Phần còn lại 43km từ Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị chưa đầu tư.

Còn tại miền Trung, bên cạnh 2 dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Liên Khương – Đà Lạt đã hoàn thành, thì Bộ GTVT đã khởi công liên tiếp 2 là đoạn cao tốc là Vĩnh Hảo (Bình Thuận) – Phan Thiết (Bình Thuận) dài 100,8km và đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) – Dầu Giây (Đồng Nai) dài 99km.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022 hai dự án này hoàn thành sẽ có 200km nối thông tuyến từ Bình Thuận đến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện nay nhằm kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Ngoài các dự án trên, hiện còn 5 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam phía đông đang đấu thầu nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Đến thời điểm này, 3 dự án đã có nhà đầu tư PPP (công – tư), còn 2 dự án không có nhà đầu tư nên đề xuất chuyển sang đầu tư công. Nếu được phê duyệt, các dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Một dấu ấn đáng chú ý trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đó là hình thành hàng loạt tuyến cao tốc trọng điểm cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.  Đặc biệt, cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ ngày càng rõ nét, ngoài đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã hoàn thành, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vừa thông xe 1 chiều và cầu Mỹ Thuận 2 đang tăng tốc thi công.

Cuối năm 2020 Bộ GTVT cũng tiếp tục khởi công đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, thông xe cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi. Như vậy, cùng với cầu Mỹ Thuận 2 các tuyến cao tốc trên sẽ nối thông toàn bộ đường cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ.

Tai nạn giao thông giảm sâu nhất từ trước đến nay

Trong buổi họp Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) giai đoạn 2016 – 2020 và Năm an toàn giao thông năm 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hoà Bình đã động viên khen ngợi Bộ GTVT, UBDN các tỉnh về việc kiềm chế tốt tại nạn giao thông TNGT trong 5 năm qua.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91% so với 5 năm trước.

Đặc biệt năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua. Số vụ giảm gần 18%, số người bị thương giảm gần 20%, số người chết giảm trên 12% và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người/năm.

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông 12 tháng năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/12/2020), toàn quốc xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người.

“So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 3.111 vụ (giảm 17,6%), số người chết giảm 924 người (giảm 12,1%), số người bị thương giảm 2.820 người (giảm 20,7%),” ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết.

Nhiều xung lực mới cho giao thông

Cũng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tư lệnh ngành giao thông cũng đã thể hiện vai trò “người đứng đầu” rõ nét trong việc hoàn thành hàng loạt các dự án như Hầm Hải Vân 2; dự án đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận…

Đặc biệt, sau 10 năm “đau đầu” nhưng ngày 7/1/2021, dự án mặt cầu Thăng Long đã chính thức được sửa chữa và đưa vào sử dụng. Cùng với tuyến cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long được khánh thành tháng 10/2020 đã nối thông toàn tuyến từ Pháp Vân về Cầu Thăng Long đi sân bay Nội Bài, xoá điểm nghẽn tai tiếng nhiều năm qua cho Thủ đô.

Một dự án đáng ghi nhận khác đó là siêu sân bay Long Thành, đây có thể coi là dự án lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông Nguyễn Văn Thể.

Ngày 5/1, dự án này đã chính thức được khởi công với quy mô 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD).

Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD). Suất vốn đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 160,3 triệu USD/1 triệu hành khách, suất vốn đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 218 triệu USD/1 triệu hành khách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, “đây là dự án trọng điểm được khởi động suốt 5 năm qua, nhưng đến giờ đã khởi công, tôi ghi nhận nỗ lực lớn từ Bộ GTVT. Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay và sẽ là cảng trung chuyển hàng không quốc tế và khu vực. Dự án đóng góp quan trọng vào sự hùng cường của Việt Nam trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, nhìn trên bức tranh tổng thể, toàn ngành giao thông vẫn có những “điểm sáng” bất chấp sự tàn phá do Covid -19. Dù hàng không gặp, đường sắt khó khăn do khách quan, nhưng vận tải biển và cảng biển vẫn duy trì mức độ tăng trưởng dương. Đặc biệt trong lĩnh vực cảng biển, không để bất kỳ ca lây nhiễm Covid -19 nào từ thuyền viên lên bờ. 

Bộ trưởng Thể còn “nợ” người dân điều gì?

Dù rất nhiều nỗ lực, nhưng ngành giao thông vẫn chưa hoàn thành hết các sứ mệnh được giao. Ví dụ như dự án thu phí không dừng, vừa qua, Bộ GTVT đã đưa vào thu phí 35 trạm thu phí.

Tuy nhiên, tại các dự án BOT của 15 địa phương có 46 trạm thu phí, trong đó có 6 trạm đang xây dựng, chưa tổ chức thu phí. Ngoài ra, có 4 trạm thu phí thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC chưa được triển khai do chưa bố trí được nguồn vốn. 

Điều này chưa hoàn toàn “đóng mạch” toàn bộ thu phí không dừng toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vì thế, cần sớm triển khai quyết liệt hơn.

Một “lời hứa” khác của Tư lệnh ngành giao thông trước Chính phủ và nhân dân đó là việc hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong quý I/2020.

Đây là dự án vay vốn của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ngày 30/5/2008. Đơn vị thi công là tổng thầu EPC – Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc – một đơn vị chưa bao giờ thi công đường sắt được trúng thầu.

Sau 12 năm triển khai dự án vẫn chưa về đích với 8 lần “thất hứa” từ phía Tổng thầu EPC thì dự án đã đội vốn 40%, từ tổng mức ban đầu được phê duyệt năm 2008 hơn 550 triệu USD (trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD). Đến nay, tổng mức đầu tư đã vọt lên 891,9 triệu USD, đội giá thêm 339,1 triệu USD.

Mới đây, dự án đã liên tục chạy thử tàu và kiểm soát chặt những khâu đoạn cuối về an toàn. Tuy nhiên, người dân thủ đô đã mòn mỏi chờ đợi dự án này suốt 12 năm qua, và chờ lời hứa của Bộ trưởng được hoàn thành.

Theo Đinh Tịnh/ Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/dau-an-mot-nhiem-ky-cua-bo-truong-nguyen-van-the-co-gi-20180504224248142.htm