QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đẩy mạnh số hóa là tất yếu đối với ngành Ngân hàng

Ngày nay cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với sự giao thoa của các công nghệ số – vật lý – sinh học và phát triển theo cấp số nhân đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức mà con người sống, làm việc và điều hành xã hội. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đẩy mạnh số hóa là tất yếu đối với ngành Ngân hàng.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống thì số hoá hoạt động ngân hàng hứa hẹn sẽ đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt và khác biệt của hệ thống ngân hàng so với trước. Tuy nhiên, để thích nghi và làm quen với cái mới, chắc chắn sẽ có những thách thức mà mỗi nhà băng phải nhìn nhận để đối diện và hoá giải nó. Chuyển đổi số vừa phải gia tăng hiệu quả, vừa phải đảm bảo sự an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) song vẫn phải hạn chế được các tác động tiêu cực có thể xảy ra; đòi hỏi phải nhanh chóng có các chính sách phù hợp với các mô hình hoạt động mới, các chủ thể mới tham gia vào cung ứng dịch vụ ngân hàng…

Nhưng thách thức lớn nhất lại nằm ở tư duy thay đổi và cách thức ứng dụng công nghệ khi nhiều dịch vụ tài chính, ngân hàng không còn độc quyền của các TCTD như nhiều năm về trước. Ví dụ Fintech – các công ty công nghệ tài chính – đang sinh sôi nảy nở và phủ rộng khắp toàn cầu. Fintech tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ nhờ sáng tạo sản phẩm vượt trội so với ngân hàng truyền thống, dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn ngân hàng truyền thống, và Fintech cung cấp một mảng dịch vụ tài chính đơn lẻ, nâng cao trải nghiệm khách hàng – đó chính là thách thức mà nhà băng phải nhìn nhận để có giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của mình.

Trong một hội thảo về chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, nếu như không có Fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ khó có thể phát triển như ngày nay. Theo diễn giải của ông Dũng, cách đây hơn chục năm, nhiều ngân hàng Việt Nam đã trang bị Mobile Banking rồi, nhưng nếu xét trên diện rộng thì chưa thật hiệu quả. Phải cho tới khi có sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech, thì Mobile Banking và Internet Banking gần như thay đổi hoàn toàn. Bởi đơn giản, có Fintech tức là ngân hàng có cả một hệ sinh thái số.

Ảnh minh họa

Nói về tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, giới chuyên gia đều đồng quan điểm rằng, Việt Nam có lợi thế khi dân số hơn 96 triệu người với cơ cấu dân số tương đối trẻ (người trưởng thành xấp xỉ 70%), trong đó 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh; có 130 triệu thuê bao di động; 51 triệu thuê bao internet di động kết nối 3G/4G phủ sóng toàn quốc; 64 triệu người dùng internet chiếm 67% dân số. Chưa kể, thương mại điện tử tăng trưởng cao (30%/năm) và Việt Nam đang là nền kinh tế đứng thứ 2 Đông Nam Á (12 tỷ USD), tăng trưởng 40%/năm. Thế hệ Z (1995+) hiện chiếm 4% khách hàng của ngân hàng trong 10 năm nữa sẽ là nhóm khách hàng chủ lực khi chiếm tới 40% dân số.

Thực tế, thời gian qua, các TCTD ở Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ để tối ưu hoá sản phẩm, dịch vụ và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng số hoá với các giải pháp ngân hàng tự động, ngân hàng số. Đây có thể xem là thời điểm thích hợp để hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam có bước chuyển mình, nhanh chóng bắt kịp với tốc độ và trình độ phát triển của các hệ thống tài chính – ngân hàng tiên tiến trên thế giới.

Vì lẽ đó TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các ngân hàng phải coi là chiến lược cốt lõi, không dừng lại ở quan điểm chỉ là một dự án về công nghệ thông tin. Theo khảo sát của Vụ Thanh toán, tại Việt Nam hiện có khoảng 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế.

Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về kênh giao tiếp (học máy, sinh trắc học, ứng dụng trợ lý ảo, ứng dụng mobile app…) và quy trình (dữ liệu lớn, hệ thống giao dịch trực tuyến, tức thời, quy trình xử lý các nghiệp vụ tự động). Việc chuyển đổi về nền tảng dữ liệu (phân tích dữ liệu, ứng dụng lập trình mở, chuỗi khối, đám mây…) mới được nghiên cứu, triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.

Ông Vũ Minh Tuấn – chuyên gia tư vấn giải pháp ngân hàng của Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết, 2 năm trở lại đây, số lượng các ngân hàng đặt vấn đề thử nghiệm áp dụng các công nghệ tự động hoá quy trình, tiến tới ký kết các hợp đồng chuyển đổi số đã tăng lên nhanh chóng. Đơn cử như trong lĩnh vực tự động hóa quy trình nghiệp vụ, từ con số khách hàng chỉ bằng 0, trong vòng hơn 1 năm, công ty này đã triển khai chuyển đổi số cho 6 ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

Sớm đầu tư vào việc phát triển các công nghệ 4.0, đến thời điểm này, các giải pháp tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) của FPT đã có thể ứng dụng hiệu quả trong việc thực thi các quy trình nghiệp vụ lặp lại quy mô lớn, tự động hóa tác vụ, giải phóng sức lao động thủ công của các cán bộ tài chính ngân hàng. Đặc biệt, rất nhiều ngân hàng đang quan tâm đến giải pháp bảo mật của FPT – được thiết kế trên một nền tảng duy nhất và toàn bộ quá trình vận hành an toàn thông tin đều được tự động hóa, với thời gian phân tích một mối đe dọa không quá 5 phút.

Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho biết hiện tất cả các dịch vụ của đơn vị này đang ứng dụng các công nghệ mới nhất. Hiện TPBank đang triển khai Live bank mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng như thực hiện các dịch vụ ngân hàng từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ nhận diện khách hàng qua video, sinh trắc học.., kết nối nhân viên với khách hàng từ xa qua hội thoại video.

Với việc đưa Live bank vào hoạt động, TPBank chỉ mất thời gian 12 giờ để thiết lập một phòng giao dịch tự động với đầy đủ các dịch vụ của một phòng giao dịch truyền thống nhưng chi phí vận hành chỉ bằng 1/3. Hơn nữa, với Live bank, chỉ trong vòng 8 phút khách hàng có thể mở tài khoản và nhận thẻ trong khi họ mất 3 – 4 ngày nếu làm thủ tục tại các phòng giao dịch truyền thống.

Còn với Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), hiệu quả là rõ rệt khi ứng dụng các giải pháp tự động hóa vào quy trình hoạt động. FPT.AI Vision (giải pháp trích xuất thông tin và nhận diện hình ảnh dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI) đã hỗ trợ MBBank số hóa thông tin khách hàng với thời gian tính bằng giây. Trước đây, thời gian nhập dữ liệu thông tin khách hàng của MBBank mất trung bình khoảng 4 phút. Từ khi áp dụng FPT.AI Vision, ngân hàng chỉ mất 3 giây để nhập đầy đủ thông tin khách hàng, với độ chính xác trên 96%.

Bàn về lợi ích từ số hóa ngân hàng, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho hay, việc sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy đã giúp đơn vị này tiết kiệm 10 tỷ đồng mỗi năm. Ông Tâm cũng khẳng định, chuyển đổi số cần làm sao để khách hàng có những trải nghiệm tốt hơn cả trước, trong và sau khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng. Khi thực hiện các giao dịch online nếu phải chờ đợi quá 10 giây khách hàng sẽ có phản ứng và có thể sẽ ngừng thực hiện giao dịch.

Những kết quả trên là động lực mạnh mẽ để các ngân hàng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong hành trình đó, sự hợp lực của các công ty công nghệ là cực kỳ cần thiết. “FPT cam kết cùng khởi động – cùng đầu tư” giúp các ngân hàng khởi động thông minh trong hành trình số với sự thay đổi vượt trội trong hiệu quả hoạt động, cách thức tương tác với khách hàng và các dịch vụ mới cạnh tranh”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định. Sự quyết tâm của ngân hàng và đồng hành của công ty công nghệ sẽ là lực đẩy mạnh mẽ để hiện thực hóa ngân hàng số một cách toàn diện trong tương lai không xa.

Theo Văn Khương/Thời báo Chứng khoán

Bài gốc: https://tbck.vn/day-manh-so-hoa-la-tat-yeu-doi-voi-nganh-ngan-hang-58689.html