GS.TS – Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, trong năm 2024, Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội trong việc thu hút nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
GS.TS – Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, trong năm 2024, Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội trong việc thu hút nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Chúng ta phải có giải pháp hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực để song hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài trong việc hợp tác, thúc đẩy cùng phát triển.
Nhận định về tốc độ phát triển kinh tế trong năm 2024, GS.TS – Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Theo dự báo tình hình chính trị thế giới trong năm 2024 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp nên kinh tế vẫn đối mặt với những khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Hầu hết các tổ chức kinh tế đều dự báo tốc độ phát triển kinh tế của năm 2024 thấp hơn năm 2023. Như vậy, yếu tố từ bên ngoài cũng sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 là từ 6 – 6,5%, thấp hơn nhiệm vụ đặt ra của nhiệm kỳ. Đây cũng là mục tiêu cần phấn đấu hết sức thì mới có thể đạt được.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tôi đồng thuận với những giải pháp mà Chính phủ dự kiến như sử dụng chính sách tài khóa ngược thực sự hiệu quả. Theo đó, chúng ta cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2%; giảm, miễn tiền thuế, thuê đất cho các doanh nghiệp.
Đối với chính sách hỗ trợ tài khóa tiền tệ cần thực hiện hiệu quả hơn như hỗ trợ lãi suất một cách rộng rãi hơn. Theo đó, người dân, doanh nghiệp thực sự cần đến nguồn vốn vay để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh cần được ưu tiên quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa.
Cũng theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, chúng ta cần kích cầu tiêu dùng cho người dân để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng ta phải tranh thủ được các cơ hội mới, bởi vì sang năm 2024 sẽ có những cơ hội mới mở ra.
Ví dụ, có thể thị trường thế giới chưa khôi phục ở những thị trường truyền thống nhưng sẽ khôi phục ở một số thị trường ngành thì chúng ta phải đa dạng hóa thị trường.
Rồi đối với việc thay đổi luồng đầu tư, chúng ta sẽ không đi theo hướng sản xuất gia công trước đây mà đầu tư theo hướng những ngành công nghệ cao, những ngành mang lại giá trị gia tăng cao…
Tôi hy vọng là chúng ta sẽ kêu gọi được các tập đoàn lớn của thế giới đầu tư vào Việt Nam. Năm 2024, nếu như chúng ta nắm bắt và triển khai tốt các cơ hội đó thì có thể sẽ tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp…
Tóm lại, về mặt dài hạn, cần nhìn nhận là ngoài những khó khăn, thách thức thì chúng ta đang có những cơ hội lớn đặt ra trong năm 2024. Đó là cơ hội dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài sau đại dịch Covid-19. Nếu chúng ta không biết nắm bắt cơ hội này thì họ sẽ chuyển hướng đầu tư sang các thị trường khác.
Ngoài ra, sau khi Việt Nam và Mỹ ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thì chính sách có sự thay đổi thuận lợi cho chúng ta. Nếu Việt Nam không có chính sách hợp lý, chủ động để đón nhận ngay thì sẽ đánh mất cơ hội lớn trong việc thu hút nguồn vốn FDI vào thúc đẩy phát triển kinh tế ở trong nước.
Vì vậy, chúng ta phải có giải pháp hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp ở trong nước có đủ năng lực để song hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài trong việc hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế.
GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 – 2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%. Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.