QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Để doanh nghiệp Việt không bị “thua ngay trên sân nhà”

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Chia sẻ với Tạp chí Thương Gia, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đội ngũ doanh nhân nên tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh có thế mạnh mới mong không bị “thua ngay trên sân nhà”.

– Với tư cách là lãnh đạo VCCI, ông có nhận xét gì về đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân thời kỳ đổi mới, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thưa ông?

Đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân chúng ta đã phát triển mạnh trong thời gian qua với số lượng thành lập mới năm sau cao hơn năm trước. Điều đó chứng tỏ tinh thần kinh doanh cũng như khát vọng khởi nghiệp của đội ngũ doanh nhân của Việt Nam rất cao. VCCI chúng tôi đang phối hợp cùng với cơ quan chức năng hệ thống lại những phần việc đã – đang – và sắp làm để hỗ trợ đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong chặng đường phát triển kinh tế và phát triển doanh nghiệp. Tôi cho rằng những gói hỗ trợ, những việc đã và đang làm là đi đúng hướng, tất cả vì sự phát triển của giới doanh nghiệp doanh nhân.

– Ông có thể nói rõ hơn về những hoạt động mà VCCI đang hỗ trợ giới doanh nghiệp doanh nhân trong chặng đường phát triển của họ?

Với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, người sử dụng lao động và đội ngũ doanh nhân cả nước, VCCI đã – đang cùng với các cơ quan chức năng, cơ quan trong và ngoài nước có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp doanh nhân cụ thể như đào tạo, đào tạo lại đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân, CEO cũng như những người làm cho các tổ chức tư vấn doanh nghiệp, phát triển thị trường. VCCI cũng tổ chức các chương trình tham vấn với mong muốn các doanh nhân thay đổi được tư duy phát triển doanh nghiệp, điều hành doanh nghiệp.

VCCI cũng đang thiết lập chương trình nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp, nâng cao tư duy độc lập để doanh nghiệp có thể tự chịu trách nhiệm về những việc của doanh nghiệp mình cả về vấn đề pháp lý, cả về lĩnh vực quản trị kể cả quản trị rủi ro trong bước đường phát triển.

– Theo ông, các cấp chính quyền cần hỗ trợ gì thêm để đội ngũ doanh nhân phát triển hơn nữa trong thời gian tới?

Có thể nói chưa bao giờ doanh nghiệp doanh nhân được quan tâm, được các cấp các ngành chú ý đến như trong thời gian vừa qua. Bằng các Nghị quyết, bằng các hành động cụ thể như gói Nghị quyết 19 từ năm 2014 đến 2018 về việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cạnh tranh doanh nghiệp, Nghị quyết 35/NQ-CP, Chỉ thị 26 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời kỳ hội nhập… giới doanh nghiệp doanh nhân đã thực sự khẳng định vị thế, vai trò và động lực quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Những động thái đó đã thể hiện sự quan tâm rất cao của Đảng và Nhà nước, của các cấp đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân nước ta.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có một Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta cũng đã có gói chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp và chúng ta cũng đã có những chỉ thị, nghị quyết giao nhiệm vụ cho các cấp Bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong các việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển…

Tôi cho rằng những chương trình đó rất có ý nghĩa. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần có một động thái cụ thể để tận dụng được những gói hỗ trợ này, nếu không sẽ có nguy cơ tụt hậu và nguy cơ “thua ngay trên sân nhà”.

– Vậy doanh nghiệp, doanh nhân cần phải làm gì để không bị “thua ngay trên sân nhà” và có thể cạnh tranh nhiều hơn nữa trên thị trường quốc tế, thưa ông?

Để có thể cạnh tranh và trụ vững trên con đường hội nhập ở khu vực và quốc tế, đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân của chúng ta đã cố gắng rất nhiều tuy nhiên điều đó là chưa đủ. Đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân cần sự bình tĩnh, tự tin, tính toán một cách căn cơ và nên tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và có thế mạnh, sẵn sàng hợp tác cũng như chia sẻ những vấn đề với giới doanh nhân của mình để chúng ta đút rút được những kinh nghiệm tốt cho sự phát triển doanh nghiệp. Nếu làm được như vậy, chúng ta mới có thể tận dụng được những cơ hội của hội nhập, cơ hội của các gói hỗ trợ từ các cấp đối với doanh nghiệp doanh nhân và tận dụng được thời cơ hiện có; cũng như phát huy được bản lĩnh doanh nhân Việt trong thời gian tới để chúng ta có thể hội nhập thành công.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông có gửi gắm điều gì tới cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân?

Tôi rất mừng doanh nghiệp doanh nhân của chúng ta có chí tiến thủ rất cao. Họ là những người có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, bản lĩnh doanh nhân Việt và sẵn sàng cho hội nhập. Với quyết tâm hội nhập thành công, tôi mong muốn các cơ quan chức năng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần đối thoại, hợp tác vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Hơn 70 năm về trước, trong thư gửi giới doanh nhân (13/10/1945), Bác Hồ đã xác định chính quyền Tận tâm, doanh nhân Nỗ lực. Chính quyền tận tâm phục vụ, hỗ trợ, phát triển cho doanh nghiệp, doanh nhân và doanh nghiệp, doanh nhân tận tâm phấn đấu để phát triển doanh nghiệp, tạo nền tài chính vững mạnh, đưa doanh nghiệp phát triển vững mạnh, hoàn thành tốt các nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước. Trên cơ sở đó, thế và lực của chúng ta sẽ được nâng cao.

Thông qua các chỉ số khảo sát của các cơ quan trong và ngoài nước, chỉ tiêu tăng trưởng của chúng ta thời gian tới đã được cải thiện rõ nét. Có thể nói những sự tăng trưởng đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Nhân ngày 13/10, tôi xin kính chúc các chủ doanh nghiệp hiện tại và các doanh nghiệp trong tương lai thêm bản lĩnh, tự tin chấp nhận vượt khó và vượt khó thành công. Chúng tôi sẽ cùng VCCI và các cấp chính quyền Trung ương và địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong bước đường phát triển hiện tại và trong tương lai.

– Xin cảm ơn ông!

Theo Hường Hồ/Thương Gia