QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Để kìm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất giảm 4 loại thuế

Sau thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Bộ Tài chính tiếp tục trình Thủ tướng giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT để góp phần giảm giá xăng dầu.

Bộ Tài chính đã đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng này, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng từ 20% xuống còn 12%.

Như vậy, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất thêm các giải pháp về thuế để góp phần giảm giá xăng dầu.

Gần đây nhất, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022. Theo đó giảm từ 700 – 1.000 đồng/lít xăng, dầu tùy loại.

Bộ Tài chính ước tính, trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu NSNN (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) là khoảng 7.000 tỷ đồng. 

Nếu tính cả phần ước giảm thu NSNN theo Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 2.661 tỷ đồng/tháng) thì tổng giảm thu NSNN bình quân một tháng ước khoảng 4.061 tỷ đồng/tháng và cả năm là khoảng 20.305 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu xăng và nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng từ 20% xuống còn 12%.

Theo Bộ Tài chính, cần thiết phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống còn 12% đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN.

Việc tiếp tục đề xuất giảm thuế đối với xăng dầu của Bộ Tài chính, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Việc giảm thuế sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng này, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.

Điều này càng có ý nghĩa hơn khi lạm phát đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Do xăng dầu tăng liên tục và hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử, nên đã hình thành một mặt bằng giá mới, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã tăng từ 5-10%, có loại tăng cao từ 25-30%, đã tác động xấu tới đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, người nghèo và người có thu nhập thấp.

Hiện nay, bốn loại thuế đánh trên mỗi lít xăng, dầu gồm: thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế bảo vệ môi trường (1.900-2.000 đồng với xăng; 1.000 đồng một lít với dầu) và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.

Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.

Tính chung, mỗi lít xăng, dầu đang “cõng” khoảng 34-35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán lẻ, tuỳ thời điểm. Tức là, với mỗi lít xăng, một phần ba là tiền người tiêu dùng phải trả cho các loại thuế, chi phí.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1995, còn dầu (mặt hàng phục vụ chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh) không thuộc diện chịu thuế này. Đây là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng và cần sử dụng tiết kiệm. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên không riêng Việt Nam mà hầu hết quốc gia đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

Theo Bảo Ngọc/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/de-kim-gia-xang-dau-bo-tai-chinh-de-xuat-giam-4-loai-thue-47616.htm