QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Di sản đầy tai tiếng của cựu Tổng thống Hàn Quốc

Cái chết của cựu Tổng thống Chun Doo-hwan, người được coi là nhà độc tài quân sự cuối cùng của Hàn Quốc, đánh dấu sự kết thúc của một chương gây chia rẽ trong lịch sử hiện đại của quốc gia này.

Hàng trăm người được cho là đã chết hoặc mất tích khi chính phủ Hàn Quốc dập tắt cuộc nổi dậy ở Gwangju vào tháng 5 năm 1980. Trước đó, phong trào đấu tranh dân chủ tại Hàn Quốc đã lan rộng trên cả nước khi ông Chun Doo-hwan lên nắm quyền sau khi lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự.

Nhiều năm sau vụ thảm sát tại Gwangju, nhiều chi tiết vẫn chưa được làm sáng tỏ, bao gồm việc ai đã ra lệnh cho quân đội nổ súng vào những người biểu tình, ngoài ra danh tính của nhiều nạn nhân vẫn chưa được xác định cho tới nay.

Những nạn nhân còn sống sót và các thân nhân cho rằng sự thiếu quyết đoán của chính phủ cùng sự bất hợp tác của các thành viên thuộc chế độ quân sự cũ đã cản trở nỗ lực tìm kiếm công lý cho các nạn nhân trong vụ nổi dậy ở Gwangju.

“Tôi lo rằng rất nhiều sự thật sẽ bị che giấu sau cái chết của Chun Doo-hwan”, ông Kim Young-man, 57 tuổi, người sống sót sau sự kiện tháng 5 năm 1980, cho biết.

Ông Kim hy vọng rằng các quan chức trong chính quyền quân sự năm xưa sẽ ra mặt để làm sáng tỏ cuộc đàn áp đẫm máu. Giống như nhiều nạn nhân khác, ông Kim tỏ ra rất phẫn nộ vì thái độ thiếu ăn năn của Chun Doo-hwan khi còn sống.

Nhiều tháng sau khi rời nhiệm sở vào năm 1988, trong bối cảnh những lời kêu gọi thành lập chính phủ dân sự ngày càng tăng, ông Chun đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về những hành vi lạm dụng trong thời gian lãnh đạo của mình, bao gồm cả vụ việc tại Gwangju.

Nhưng sau đó, cựu Tổng thống Hàn Quốc đã rút lại lời xin lỗi và phủ nhận trách nhiệm của mình trong vụ thảm sát.

“Chun Doo-hwan không phải kiểu người hay xin lỗi”, ông Kim Young-man nói. “Tuy nhiên, nếu ông ta xin lỗi, tôi nghĩ sẽ có khả năng những người dân Gwangju đau lòng suốt 41 năm qua sẽ được an ủi phần nào.”

Năm 1996, ông Chun Doo-hwan bị kết án tử hình vì tội tham nhũng và phản quốc, nhưng bản án được giảm xuống tù chung thân và sau đó được tha bổng.

Trước khi qua đời, ông vướng vào một vụ việc pháp lý và bị kết tội vào năm 2020 vì phỉ báng một linh mục, người tuyên bố đã chứng kiến ​​cuộc thảm sát Gwangju.

Vào thứ Tư, một ngày sau cái chết của Chun, một nhóm 70 người sống sót sau vụ việc Gwangju, đã đệ đơn kiện chính phủ Hàn Quốc đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Một số nạn nhân đã nhận được tiền bồi thường do mất khả năng lao động, nhưng các yêu cầu bồi thường cho những tổn thương về tinh thần và tâm lý đã vấp phải những rào cản pháp lý cho đến khi có phán quyết của Tòa án Tối cao vào tháng 9 vừa qua.

Hôm thứ Năm, một nhóm nạn nhân đã tập hợp bên ngoài bệnh viện nơi lưu giữ thi thể của Chun Doo-hwan để tiếp tục lên án cựu Tổng thống.

Vào tháng 11, ứng cử viên tổng thống của phe bảo thủ Yoon Suk-yeol, đã phải đến Gwangju để xin lỗi các nạn nhân, sau khi cho rằng ông Chun Doo-hwan “thực sự giỏi chính trị, ngoài cuộc đảo chính và các sự kiện vào tháng 5 năm 1980.”

Ông Chun sẽ không được tổ chức tang lễ cấp nhà nước và các quan chức cho biết tội danh phản quốc khiến ông không đủ điều kiện để được chôn cất tại nghĩa trang quốc gia.

Theo Bắc Hiệp/Ngày Nay/ Reuters

Nguồn: https://ngaynay.vn/di-san-day-tai-tieng-cua-cuu-tong-thong-han-quoc-post115389.html