QC 1
Thứ 5, ngày 10/10/2024 | Hotline: 0889.066.066

Diễn biến bất ngờ của cổ phiếu NVL (Novaland) sau khi bị cắt margin

Ngay sau thông tin bị HOSE cắt margin, cổ phiếu NVL của Novaland đã phản ứng mạnh trong phiên sáng ngày 11/9.

Phiên giao dịch sáng ngày 11/9, thị trường ngay khi vừa mở cửa chứng kiến cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) ngay lập tức bị bán tháo mạnh, thị giá cũng nhanh chóng rơi xuống mức giá sàn tại 11.850 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 30% kể từ thời điểm đầu năm, vốn hóa thị trường còn lại xấp xỉ 23.100 tỷ đồng.

Cổ phiếu NVL hiện đang trong trạng thái trắng bên mua. Khối lượng khớp lệnh được đẩy lên cao đột biến với hơn 32 triệu cổ phiếu được sang tay tại thời điểm gần cuối phiên sáng. Các cổ đông nhà Novaland phản ứng tiêu cực ngay sau thông tin cổ phiếu NVL bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM thông báo cắt margin.

Diễn biến giá cổ phiếu NVL thời gian gần đây

Cụ thể, ngày 10/9, Sở Giao dịch HoSE đã bổ sung cổ phiếu NVL của Novaland và SC5 của Công ty CP Xây dựng Số 5 vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Nguyên nhân do hai công ty này chậm công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2024 đã được soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Trước đó, HoSE cũng đã đưa các cổ phiếu CMX của Công ty CP Camimex Group, FCM của Công ty CP Khoáng sản FECON, HAS của Công ty CP HACISCO, PGV của Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP, QCG của Quốc Cường Gia Lai, SGR của Tổng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn và TMT của Công ty CP Ô tô TMT vào danh sách cắt margin, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 là số âm.

Tính đến ngày 11/9, danh sách cắt margin bao gồm 98 chứng khoán, với nhiều mã quen thuộc bị đưa vào diện cảnh báo hoặc kiểm soát như HBC của Xây dựng Hòa Bình, ITA của Tân Tạo, NVT của Bất động sản Du lịch Vân Long Bay, LDG của Công ty CP Đầu tư LDG, HVN của Vietnam Airlines và HAG của Hoàng Anh Gia Lai.

Ngoài ra, một số mã không được cấp margin do công ty bị kết luận vi phạm pháp luật thuế, chẳng hạn như CLL của Công ty CP Cảng Cát Lái và SBV của Công ty CP Siam Brothers Việt Nam.

Danh sách này cũng bao gồm một số chứng chỉ quỹ, do giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá, dựa trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng trong 3 tháng liên tiếp (FUCVREIT, FUEIP100, FUEKIV30).

Novaland với loạt tin “kém vui”

Trở lại với Novaland, phản ứng tiêu cực của các cổ đông doanh nghiệp này cũng tương đối dễ hiểu khi Novaland đã liên tiếp nhận nhiều thông tin “kém vui” thời gian gần đây.

Mới nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày 9/9 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với công ty con của Novaland là Công ty TNHH Nova Lucky Palace.

Theo quyết định, Nova Lucky Palace bị phạt hành chính 92,5 triệu đồng vì hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định. Cụ thể, Công ty không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với BCTC 6 tháng năm 2021.

Đồng thời, Công ty cũng gửi nội dung công bố thông tin không đúng kỳ hạn cho HNX các tài liệu: Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu 06 tháng năm 2021, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 06 tháng năm 2021.

Được biết, Novaland sở hữu 100% vốn tại Nova Lucky Palace. Công ty này được thành lập vào năm 2014, vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Novaland liên tiếp nhận tin “kém vui” từ các công ty con thời gian gần đây

Một công ty con khác của Novaland là Công ty TNHH Thành phố Aqua (Aqua City) – chủ đầu tư dự án Aqua City vừa công bố lỗ hơn 100 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, kéo dài chuỗi thua lỗ liên tiếp từ năm 2022 đến nay, nâng lỗ lũy kế lên tới 600 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/06/2024, vốn chủ sở hữu của Aqua City đạt 1.030 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 10,95 lần, tương ứng số nợ phải trả khoảng 11.300 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng 2.400 tỷ đồng. Như vậy ước tính tổng tài sản của Aqua City đạt hơn 12.300 tỷ đồng.

Thông tin từ HNX, Aqua City đã phát hành tổng cộng 8 lô trái phiếu với tổng giá trị 4.600 tỷ đồng. Cho đến nay, chỉ còn 2.400 tỷ đồng trái phiếu trong số này của doanh nghiệp còn lưu hành. Lãi suất của mỗi lô trái phiếu là 10%/năm.

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng khoán