QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điểm nóng bất động sản ngày 02/04: Bị cắt điện nước, dân chung cư rao bán nhà để phản đối

Bức xúc trước những bất cập, tồn tại kéo dài không được giải quyết dứt điểm, cùng với việc chủ đầu tư liên tục cắt điện nước gây sức ép, nhiều hộ dân chung cư Happy Star trong những ngày qua đồng loạt treo băng rôn ra ban công rao bán nhà để phản đối.

Bị cắt điện nước, dân chung cư rao bán nhà để phản đối

Trước những bất cập, tồn tại của chung cư Happy Star (quận Long Biên, Hà Nội) kéo dài nhưng không được giải quyết dứt điểm, cùng với đó là việc chủ đầu tư liên tục cắt điện nước để gây sức ép khiến nhiều cư dân tại đây bức xúc đồng loạt treo băng rôn rao bán nhà.

Chung cư Happy Star do Cty TNHH Vintep làm chủ đầu tư nằm trong khu đô thị Việt Hưng (phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội).Theo đó, khu chung cư dù đã đưa dân vào ở từ đầu năm 2017 nhưng tới nay chưa có hồ sơ bàn giao, hoàn công và không có sổ đỏ… Vì điều này mà cư dân chưa thống nhất được mức thu phí dịch vụ tại toà nhà, hầu hết các hộ gia đình không đóng phí dịch vụ và yêu cầu làm việc với chủ đầu tư để tìm hướng giải quyết, tuy nhiên đều không nhận được giải đáp thỏa đáng từ phía chủ đầu tư.

Cư dân chung cư Happy Star còn phản ánh, chủ đầu tư liên tục trì hoãn việc tổ chức hội nghị chung cư lần đầu để bầu ban quản trị tòa nhà và chuyển giao quỹ bảo trì (2%) về ban quản trị, không công khai quỹ bảo trì đã thu.Ngoài ra, cư dân cho biết, hiện không được ký hợp đồng sử dụng điện, nước sinh hoạt với các nhà cung cấp mà phải mua lại từ chủ đầu tư với giá sản xuất kinh doanh rất cao. Điều đáng nói, trong suốt 2 năm qua, nhiều lần chủ đầu tư đe dọa, tiến hành cắt điện nước của các hộ dân và đã nhiều lần chính quyền địa phương phải can thiệp.

Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng không đúng cam kết, tường nhà bị nứt, thấm nhưng chủ đầu tư không có giải pháp xử lý dứt điểm; Chủ đầu tư có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật; cắt giảm một số hạng mục, công trình thuộc diện tích sử dụng chung của toàn bộ khu vực chung cư như sân tennis, đài phun nước…

Bức xúc trước những bất cập, tồn tại kéo dài không được giải quyết dứt điểm, cùng với việc chủ đầu tư liên tục cắt điện nước gây sức ép, nhiều hộ dân chung cư Happy Star trong những ngày qua đồng loạt treo băng rôn ra ban công rao bán nhà để phản đối.

Chưa ký hợp đồng, Hải Phòng đã vội giao gần 7.000m2 đất cho doanh nghiệp

Kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra một số sai phạm của dự án tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà Beach Resort (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Flamingo làm chủ đầu tư.

Dự án tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà Beach Resort do Công ty cổ phần tập đoàn Flamingo làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích đất 47.398 m2, thời hạn thuê đất 62 năm.

Trong 47.398,6 m2 đất dự án, 26.418 m2 đất được giao quản lý để xây dựng các công trình công cộng, sau khi hoàn thành sẽ bàn giao về cho địa phương bảo dưỡng.

Theo kết luận thanh tra, trong 20.980 m2, có 6.844 m2 được thuê trả tiền hàng năm. Diện tích đất này, Tập đoàn Flamingo đã được bàn giao trên thực địa nhưng lại chưa thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cũng theo kết luận thanh tra, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà UBND thành phố Hải Phòng cấp cho Tập đoàn Flamingo không thể hiện tên thửa đất, tờ bản đồ, loại đất cụ thể mà chỉ ghi diện tích đất được cấp và mục đích sử dụng đất ghi theo tên dự án “Xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà Beach Resort”. Điều này là không đúng quy định tại Điều 98 Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, trong công tác bảo vệ môi trường, Tập đoàn Flamingo cũng thực hiện không đúng chương trình quan trắc môi trường định kỳ (quan trắc không đúng tần suất đối với nước thải). Flamingo cũng đã để tạm thời đá tận thu trong quá trình san gạt tạo mặt bằng vào khu vực bãi tắm Cát Cò 2 không đúng nơi quy định.

Dọn dẹp các quán cà phê, quán nhậu ở dự án lấp sông Đồng Nai

Sau khi dự án lấp sông Đồng Nai (phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) bị tạm ngưng, nhiều quán cà phê, quán nhậu nằm dọc theo dự án đã tận dụng mặt bằng bỏ hoang để xây dựng các tiểu cảnh làm nơi buôn bán.

Tuy nhiên, mới đây, các tiểu cảnh này đã bị chính quyền cho xe múc và nhân công đến đập bỏ.

Lãnh đạo phường Quyết Thắng cho biết, các trường hợp trên là do phường tổ chức cưỡng chế đập bỏ; đó đều là những công trình xây dựng trái phép trên đất dự án.

Cũng theo vị này, mới đây chủ đầu tư lên tiếng phản ảnh, có kiến nghị giải tỏa, nên phường đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ và đập bỏ những công trình trái phép trên đất dự án lấp sông Đồng Nai.

Ì ạch những dự án đại học nghìn tỷ

Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) được Chính phủ phê duyệt năm 2002 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Sau khi Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đồng ý đầu tư tổng vốn ước tính là 7.320 tỷ đồng, tháng 12/2003, lễ khởi công dự án Đại học Quốc gia Hà Nội được tiến hành.

Tuy nhiên, sau 17 năm dự án này mới hoàn thành được vài ba khu nhà. Trong đó có nhà công vụ số 1; khu nhà của ban quản lý dự án, một ký túc xá đáp ứng chỗ ở cho 2.000 sinh viên, sau được chuyển cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng khai thác.

Bà Ngô Thị Sung (thôn 10) nằm trong diện tái định cư của dự án ĐHQGHN, nhưng đến nay bà vẫn chưa đồng ý di dời vì không đồng thuận với phương án của chủ đầu tư đưa ra

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2 tại Khu đại học Phố Hiến (Hưng Yên) khá bề thế. Từ đây đi tới trung tâm thành phố Hưng Yên chỉ mất 10 phút.

Tuy nhiên, xung quanh khu vực này đường sá vẫn còn ngổn ngang. Được biết, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2016, đầu năm 2017, Đại học Thủy lợi đã chuyển 3.000 sinh viên khóa 58 xuống học tại Tiên Lữ. Song, do hạ tầng của cả Khu Đại học Phố Hiến tỉnh Hưng Yên chưa bố trí được vốn, xung quanh còn thiếu những dịch vụ thiết yếu nên nhà trường chủ yếu bố trí các đợt sinh viên xuống cơ sở này để học Giáo dục quốc phòng. Mỗi đợt học kéo dài 1 tháng đến 1 tháng rưỡi.

Năm 2009, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu của quy hoạch là “giải quyết khó khăn, bất cập về không gian và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của các đại học, cao đẳng trong thủ đô Hà Nội”. Nguyên tắc đặt ra là giảm mật độ sinh viên và số trường trong trung tâm đô thị. Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo lập quy hoạch, đề xuất hướng di dời một số cơ sở đào tạo ở nội đô.

12 đại học, cao đẳng được đề xuất di dời, trong đó có Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Viện Đại học Mở Hà Nội… Đến nay, vẫn chưa có trường đại học nào nằm trong danh sách di dời ra ngoài nội đô.

Theo nguồn tin của PV, việc chậm triển khai dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc còn do năng lực triển khai yếu. Ban đầu, dự án được giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện nhưng tại đây cán bộ không có kinh nghiệm triển khai. Sau khi chuyển về Bộ Xây dựng quản lý, lãnh đạo ban quản lý dự án thay đổi chóng mặt, không ít trường hợp nhân sự ngồi ghế giám đốc ban quản lý dự án chỉ từ 6 tháng đến 1 năm. (theo tienphong.vn).

Theo Hữu Dũng/Thời báo chứng khoán