QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điểm nóng bất động sản ngày 05/4: Đất nền Long Thành hay đất diễn của “cò”?

Đua nhau tiếp sức cho “cò” phân lô bán nền đất Long Thành; Quảng Bình: Dự án 1600 tỷ trên đất “vàng” “đắp chiếu” chục năm giữa TP; Vẫn chưa tháo dỡ xong khu nghỉ dưỡng trái phép tại Quảng Nam… là những điểm nóng bất động sản nội bật ngày 05/04.

Đua nhau tiếp sức cho “cò” phân lô bán nền đất Long Thành

Lợi dụng thông tin dự án sân bay Long Thành rục rịch xây dựng, thông tin ảo cầu Cát Lái nối quận 2 (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch, các chủ đầu tư “đua” về các xã thuộc huyện Long Thành và lân cận “vẽ” nên các dự án phân lô bán nền.

Qua xã Phước Tân, TP Biên Hòa, người tham gia giao thông không khó để bắt gặp các chòi phủ bằng các tấm bạc xây dựng tạm bợ kèm theo các tấm băng rôn của những nhân viên rao bán đất nền sân bay Long Thành nằm dọc hai bên đường.

Được biết, trên địa bàn xã Phước Tân hiện nay khu quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân có 51 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng trái phép, trong đó địa bàn ấp Tân Lập và ấp Tân Cang thuộc xã này còn 95 nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất quy hoạch nông nghiệp.

Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân xác nhận đó đều là những công trình xây dựng trái phép. Dù đã lập biên bản xử lý, song các doanh nghiệp có tên trong danh sách vi phạm đều đã không thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng sử dụng đất như yêu cầu. Còn cơ quan chức năng xã Phước Tân, TP Biên Hòa vẫn không thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm theo quy định.

Tại khu đất trống đang san lấp, xây dựng hạ tầng khác, dù chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, Sở Xây dựng Đồng Nai chưa cho phép bán nhưng chủ đầu tư và đội quân môi giới vẫn liên tục tô vẽ dự án không khác gì “thiên đường” để móc hầu bao của “thượng đế”.

Mới đây, Công ty Thái Thần Tài vừa bị công an tỉnh Đồng Nai phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng đất. Cụ thể, tháng 3/2018 UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt cho Công ty Thái Thành Tài (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) làm chủ đầu tư khu dân cư tỷ lệ 1/500 tại xã An Phước (huyện Long Thành), diện tích 91.000m2. Tuy nhiên, khi chưa hoàn thành hạ tầng công ty đã quảng cáo, rao bán, nhận tiền đặt cọc. Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản, Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các sở, ban ngành điều tra, xử lý.

Quảng Bình: Dự án 1600 tỷ trên đất “vàng” “đắp chiếu” chục năm giữa TP

Thực hiện xã hội hóa trong đầu tư phát triển các bệnh viện, phòng khám chất lượng cao ở Quảng Bình; năm 2009, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Bình An (Công ty) đã có hồ sơ thuê đất để xây dựng bệnh viện chất lượng cao.

Sau khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục, ngày 15/12/2011 Công ty làm lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bình An trong sự tham dự chứng kiến của các quan chức, sở, ban ngành và đông đảo người dân tỉnh Quảng Bình.

Trên diện tích gần 16.000m2 được cấp đất xây dựng tại trung tâm thành phố Đồng Hới, chủ đầu tư đã không triển khai mà “đắp chiếu” giữ đất.

Theo thiết kế, Bệnh viện Đa khoa Bình An có diện tích khu nhà chính khám và điều trị rộng 9.600m2, diện tích sàn 26.000m2. Bệnh viện có quy mô 7 tầng, gồm 21 khoa lâm sàng và cận lâm sàng với 250 giường bệnh nội trú, có 6 phòng mổ theo tiêu chuẩn Châu Âu.

Đơn vị thi công là công ty TNHH Xây dựng Đình Thái. Bệnh viện Đa khoa Bình An là bệnh viện đa khoa chất lượng cao đầu tiên được xây dựng tại Quảng Bình, góp phần thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

“Các cơ quan ban ngành cũng đã nhiều lần kiểm tra về dự án này. Qua nắm tình hình, họ (công ty) cũng hứa sẽ thực hiện, nhưng họ đang xin kêu gọi đầu tư, giải ngân vốn. Dự án chậm trễ người dân cũng bức xúc, bởi trước đây thu hồi đất để làm bệnh viện thì họ đồng tình, chứ thu hồi cho doanh nghiệp khác, làm các dự án khác thì dân không đồng tình. Người dân cũng yêu cầu doanh nghiệp không có năng lực tài chính thì trả lại đất cho người dân”, một người dân cho biết.

Cũng theo chủ tịch UBND phường Nam Lý, để tránh bị thu hồi đất, phía doanh nghiệp trong năm 2017 đã cho xây thô tầng 1 ngôi nhà, năm 2018 xây thô tầng 2 ngôi nhà này. Sang năm 2019, công ty chưa tiến hành xây dựng gì cả.

Vẫn chưa tháo dỡ xong khu nghỉ dưỡng trái phép

Ngày 15/03/2019 là hạn chót tháo dỡ các hạng mục thuộc khu nghỉ dưỡng trái phép ở rừng phòng hộ Trà Lý (xã Duy Sơn, Quảng Nam). Song đến nay, chỉ căn nhà gỗ cùng một mái tranh, đoạn đường bê tông được thu dọn, còn một số hạng mục công trình bên trong vẫn chưa được dỡ bỏ…

Nguyên nhân được đưa ra là do thiếu nhân lực!

Theo lãnh đạo UBND xã Duy Sơn, sau khi phát hiện khu nghỉ dưỡng trên được xây cất trái phép, UBND xã đã tiến hành kiểm tra, làm việc với chủ nhân và báo cáo trình lên UBND huyện Duy Xuyên. Sau khi vận động, chủ công trình trên là các ông Đinh Văn Thơ và Ngô Phi Nhị nêu nguyện vọng được tự nguyện tháo dỡ toàn bộ các hạng mục trái phép.

Ông Trần Văn Đồng – Bí thư Đảng ủy xã Duy Sơn cho biết, ông Ngô Phi Nhị (hiện là Bí thư Đoàn xã) đã bị yêu cầu làm bản kiểm điểm, sau đó tùy theo mức độ vi phạm, cấp thẩm quyền sẽ xem xét xử lý trách nhiệm.

Còn ông Nguyễn Bốn – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, UBND huyện đã nhận được báo cáo về tình hình xử lý đối với khu nghỉ dưỡng trên của UBND xã Duy Sơn. Huyện đồng ý với phương án chủ khu nghỉ dưỡng tự nguyện tháo dỡ toàn bộ những hạng mục trái phép, nên việc thi hành cưỡng chế sẽ được UBND huyện tạm gác lại.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và nếu trong thời gian tới, phía chủ đầu tư chây lỳ kéo dài việc tháo dỡ thì lãnh đạo huyện cương quyết cưỡng chế”, ông Nguyễn Bốn nhấn mạnh.

Theo Minh Thuận/Thời báo chứng khoán