QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điểm nóng bất động sản ngày 26/04: Dân chung cư “chào hè” với hóa đơn tiền điện khủng

Dân chung cư “chào hè” với hóa đơn tiền điện nhảy múa; Đề nghị chuyển hồ sơ dự án nhà xã hội Hoàng Quân sang cơ quan điều tra; Hà Nội bắt đầu cưỡng chế công trình vi phạm tại Sóc Sơn… là một số điểm nóng bất động sản ngày 26/04.

Chủ đầu tư Lancaster Eden sẽ trả lại vỉa hè chậm nhất vào ngày 29/04

Bà Tôn Thị Nhật Giang, Phó giám đốc Công ty TNHH Hush Creative (thuộc Trung Thủy Group) cho biết, trong quá trình thực hiện dự án Lancaster Eden để ngầm hoá lưới điện và chỉnh trang vỉa hè trong phạm vi dự án, nhà thầu thi công dự án là Công ty cổ phần xây dựng Central đã gửi công văn đến Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà – chủ đầu tư khu 131 ha (khu đô thị An Khánh – An Phú) của khu vực dự án đề xuất mượn mặt bằng vỉa hè khu E6 đường Trần Lựu.

Tuy nhiên, sau khi Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đề nghị Sở Xây dựng và UBND quận 2 chỉ đạo trả lại vỉa hè, Công ty TNHH Hush Creative đã yêu cầu nhà thầu ngay lập tức thực hiện tháo dỡ phần rào chắn, trả lại phần vỉa hè của khu E6 đường Trần Lựu. Thời gian hoàn thành chậm nhất vào ngày 29/04 tới.

Đề nghị chuyển hồ sơ dự án nhà xã hội Hoàng Quân sang cơ quan điều tra

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang của Công ty Hoàng Quân trong đó, có nội dung đề nghị chuyển hồ sơ dự án này sang cơ quan cảnh sát điều tra vì dự án nhiều lần chậm tiến độ, không bàn giao công trình như cam kết.

Dự án Nhà ở xã hội khu dân cư Bắc Vĩnh Hải, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang do công ty Hoàng Quân làm chủ đầu tư

Theo đó, chủ đầu tư dự án Nhà ở xã hội HQC Nha Trang đã nhiều lần thất hứa, chậm thời gian bàn giao căn hộ hơn 2 năm. Mới đây, chủ đầu tư lại tiếp tục hứa và dự kiến đến cuối tháng 7 mới thi công hoàn thành toàn bộ công trình.

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà đã mời ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hoàng Quân tham dự cuộc họp để báo cáo về tình hình và tiến độ thi công xây dựng dự án. Tuy nhiên, công ty Hoàng Quân chỉ ủy quyền cho một Phó Tổng Giám đốc phụ trách dự án tham dự cuộc họp.

Không chấp nhận việc chủ đầu tư tiếp tục kéo dài việc thi công công trình, đồng thời nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong khu vực và quyền lợi của người mua nhà, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà đề nghị UBND tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án Hoàng Quân đến cơ quan cảnh sát điều tra đề xử lý theo quy định.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng địa phương tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang. Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án. Bộ cũng yêu cầu xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật (nếu có) theo thẩm quyền, báo cáo kết quả kiểm tra, biện pháp chấn chỉnh và xử lý vi phạm về Bộ trước ngày 30/04

Dân chung cư “chào hè” với hóa đơn tiền điện nhảy múa

Sau khi nhận hóa đơn tiền điện, chị Thu Trang sống tại chung cư Linh Đàm (Hà Nội) không khỏi “choáng” khi thấy tiền điện tháng này tăng gấp đôi so với tháng trước.

“Tiền điện tháng này so với các tháng trước tăng hơn gấp đôi trong khi thực tế gia đình chị chỉ có 2 vợ chồng và 2 đứa con cũng sử dụng như các tháng trước. Ban ngày mọi người đều đi làm, đi học hết đến tận tối 6 – 7h tối mới về nhà, thời tiết hôm nóng, hôm lạnh nên không phải hôm nào cũng bật điều hoà, việc hóa đơn tiền điện mới đầu hè đã nhảy vọt. Không biết vào đỉnh điểm nắng nóng thì tiền điện rồi sẽ ra sao”, chị Trang lo lắng.

Hoá đơn tiền điện ( từ ngày 15/02/2019 – 07/03/2019) và hoá đơn tiền điện (từ ngày 08/03/2019 – 07/04/2019 sau khi áp dụng theo mức giá điện mới) của gia đình anh H

Nhiều cư dân ở các khu chung cư trên địa bàn, dù đã được Ban quản lý tòa nhà thông báo trước về vấn đề tăng giá nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không khỏi ngạc nhiên khi cầm trên tay hoá đơn tiền điện. “Biết là giá điện đã điều chỉnh tăng nhưng do nhiều gia đình đóng tiền qua ngân hàng nên chỉ mới biết khi bị trừ tiền trong tài khoản hay đóng qua tài khoản mới thấy tiền phải đóng cao hơn bình thường gấp 2,3 lần”, bà M. cư dân ở chung cư Hoàng Đạo Thúy (quận Thanh Xuân) cho hay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam, việc sử dụng điều hoà chiếm dao động từ 28% đến 64% (tính trung bình so với tổng điện năng tiêu thụ trong một gia đình). Vào mùa nắng nóng, do sự dụng liên tục, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50%. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng chỉ 1 độ C, điện năng tiêu thụ của điều hoà sẽ tăng nhanh gấp 3% tuỳ vào loại máy và cách sử dụng.

“Để tránh việc phát sinh thêm chi phí về hoá đơn tiền điện khi giá điện điều chỉnh tăng lên như hiện nay, các gia đình nên tìm hiểu cách sử dụng điều hoà cũng như các đồ điện tử khác đúng cách, vệ sinh, bảo trì điều hoà đầy đủ, tránh để các thiết bị: quạt, TV,… ở chế độ chờ và phản ánh với các cơ quan chức năng khi giá điện có nhiều thay đổi bất thường để được giải đáp”, vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Hà Nội bắt đầu cưỡng chế công trình vi phạm tại Sóc Sơn

Một tháng sau khi có kết luận thanh tra, chính quyền xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn đã bắt đầu cưỡng chế phá dỡ những công trình vi phạm quản lý, sử dụng đất rừng.

Theo kế hoạch của UBND huyện Sóc Sơn, đến giữa tháng 5 sẽ hoàn thành cưỡng chế phá dỡ 20 công trình tại thôn Lâm Trường. Trong đó, 7 công trình sẽ bị cưỡng chế xong từ nay đến ngày 30/04, 13 công trình còn lại sẽ bị cưỡng chế trong tháng 05/2019.

Việc cưỡng chế dự kiến hoàn thành trong tháng 05/2019

Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, đây là các công trình vi phạm được xây dựng trong giai đoạn từ 2017 – 2018 và nằm trong kiến nghị xử lý của Thanh tra TP. Hà Nội. Đầu tháng 04/2019, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xử lý các công trình vi phạm này.

Cùng với việc triển khai cưỡng chế các công trình vi phạm được xây dựng trong giai đoạn 2016 – 2018, UBND Sóc Sơn cũng tiến hành rà soát các công trình vi phạm đất rừng trong giai đoạn 2006 – 2016 để lập hồ sơ, có giải pháp xử lý dứt điểm.

Kết quả thanh tra dần đây cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.

Thanh tra thành phố kiến nghị tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017 – 2018 trên địa bàn các xã trên để trả lại nguyên trạng ban đầu. Đối với các công trình vi phạm từ 2016 trở về trước, Thanh tra TP. Hà Nội kiến nghị “thiết lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích”.

Theo Đức Hậu/Thời báo chứng khoán