QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điểm nóng bất động sản ngày 27/03: “Câu trả lời của vị Chủ tịch phường không thể chấp nhận được”

Sốt đất đã đến… bụi tre làng tại Quảng Ngãi; Xây 21 căn nhà không phép, Chủ tịch phường không biết; Cao ốc xây vượt tầng cạnh Hồ Gươm chưa thể ‘hạ’ chiều cao do không có thợ… là một số điểm nóng bất động sản cập nhật ngày 27/03.

Môi giới núp bóng nhà đầu tư thổi giá đất

Trên thực tế, những căn hộ mini bắt đầu nở rộ tại Hà Nội khoảng 2 năm gần đây và thường xuyên cháy hàng trong các đợt mở bán. Dòng sản phẩm hút khách này có đặc điểm là nằm trong các dự án hạng sang, cao cấp, hướng tới khách hàng trẻ ưa thích cuộc sống hiện đại. Tùy vị trí, những căn siêu nhỏ được chào chênh từ 20-100 triệu đồng trên thị trường thứ cấp. Nguồn cung khan hiếm trong khi nguồn cầu lớn làm nên sức nóng của phân khúc này.

Do đó, khi siêu dự án ở phía Đông của một ông lớn bất động sản được công bố, với lợi thế là người trực tiếp bán hàng, một số môi giới đã nhanh chóng đặt cọc các căn hộ siêu nhỏ. Khi chủ đầu tư mở bán chính thức, những môi giới này xuống tiền và bán lại cho các nhà đầu tư, người có nhu cầu mua ở thực với giá chênh từ 20-80 triệu đồng/căn.

Kịch bản trên tiếp tục lặp lại với một dự án có căn hộ mini thuộc phía Tây Hà Nội, tung hàng thời điểm cuối năm 2018. Khi chủ đầu tư chưa công bố giá bán, các môi giới kiêm nhà đầu tư, giới đầu tư và cả người mua có nhu cầu thực đều ráo riết tìm cách sở hữu căn hộ siêu nhỏ.

Ở phân khúc đất nền, các môi giới kiêm nhà đầu tư cũng không thiếu chiêu trò đẩy giá.

Các môi giới cũng liên kết với nhau nhằm tạo ra kịch bản thị trường nóng sốt nhằm đẩy giá và thúc giục khách xuống tiền nhanh. Đưa khách xuống dự án, môi giới dàn cảnh để đưa khách thăm dự án. Những khách hàng “đóng vai” đều tỏ ra sốt sắng, sẵn sàng trả cao hơn từ 1 đến 2 giá. Bằng chiêu thức tạo kịch bản sốt giả, nhiều khách hàng có nhu cầu thực đã nhanh chóng xuống tiền với giá bán đã được đẩy lên cao hơn giá thực.

Thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 cũng là cái cớ để dân môi giới lợi dụng đẩy giá đất.

Cao ốc xây vượt tầng cạnh Hồ Gươm chưa thể ‘hạ’ chiều cao do không có thợ!

Hơn 3 tháng thực hiện phần tháo dỡ các hạng mục vi phạm tại cao ốc số 26-28-30 phố Nhà Chung phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhưng việc tháo dỡ vẫn diễn ra rất chậm chạp, các tầng xây vượt vẫn chình ình.

Đến nay, chiều cao của tòa cao ốc đồ sợ này vẫn vượt trội, các tầng xây vượt phép vẫn ngang nhiên tồn tại ở khu vực phố Nhà Chung gây bức xúc cho dư luận: “Gần Tết khi báo chí phản ánh thì thấy họ cho thợ lên đập phá được một ít phần sai phép, thế nhưng từ sau Tết nguyên đán đến nay việc tháo dỡ dường như không được triển khai ở 4 tầng sai phép. Trong khi ở bên trong vẫn có thợ và người ra vào hàng ngày như đang tập trung hoàn thiện phần bên trong. Có thể, họ đang “câu giờ, nghe ngóng” mặc cho quận, cho thành phố đã có chỉ đạo xử lý kiên quyết dứt điểm”, một người dân ở phố Nhà Chung bức xúc.

Trước đó, việc tháo dỡ vi phạm đã bắt đầu từ ngày 04/12/2018, do chủ công trình xin tự tháo dỡ dưới sự giám sát của cơ quan chính quyền.

Theo lý giải của Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ông Phạm Tuấn Long, công trình số 26, 28, 30 phố Nhà Chung do ông Phạm Lê Quân là chủ đầu tư, có giấy phép xây dựng số 204 ngày 14/9/2017 do UBND quận Hoàn Kiếm cấp với quy mô 2 tầng hầm + 6 tầng nổi (trong đó có tầng 1 có lửng + tum thang): “Trong quá trình thi công xây dựng chủ nhà đã xây dựng sai so với nội dung cấp phép khi nới rộng thang tùm thành tầng 7. Đồng thời xây dựng thêm tầng 8, tầng 9 và tum thang. Các hành vi vi phạm trật tự xây dựng nêu trên đã được Tổ quản lý trật tự xây dựng phường Hàng Trống lập biên bản vi phạm hành chính ngày 14/3/2018”, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nói.

Ông Trần Quốc Trung-Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cho hay, hiện phường đang đôn đốc chủ công trình tiếp tục tiến hành tháo dỡ phần sai phép: “Bây giờ đang tiến hành, bởi vì sau Tết, sau rằm tháng Giêng không có thợ, có công nhân để làm. Còn nhóm thợ ở trong công trình là để cho vào chuyển vật liệu ở trên mái xuống…”, vị này nói.

TP. HCM: Xây 21 căn nhà không phép, Chủ tịch phường không biết

Một phường ở quận Thủ Đức có 21 căn nhà xây trái phép liền kề nhau, xây cùng lúc. Khi hỏi Chủ tịch phường xây lúc nào, Chủ tịch phường không biết, trong khi hỏi người dân xung quanh ai cũng biết. Đó là câu chuyện được Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân kể tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua khen thưởng năm 2018 và phát động phong trào thi đua năm 2019, ngày 26/3.

Ông Nhân dẫn chứng câu chuyện xây nhà không phép, trái phép ở quận Thủ Đức khiến cho hàng loạt cán bộ quận này bị kỷ luật.

Câu trả lời của vị Chủ tịch phường khiến ông không thể chấp nhận được.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, năm 2016 quận Thủ Đức có 314 công trình xây dựng không phép và trái phép, đến năm 2017 có khoảng 150 và năm 2018 giảm chỉ còn 72 công trình không phép, sai phép. Từ đó ông so sánh với huyện Bình Chánh để thấy rằng quy mô xây không phép, sai phép của huyện Bình Chánh lớn hơn nhiều so với Thủ Đức.

Cụ thể, nếu như năm 2016 huyện Bình Chánh có khoảng 850 trường hợp xây không phép và sai phép, thì đến năm 2017 là 1.092 trường hợp và năm 2018 khoảng 870 trường hợp. Cả ba năm cộng lại là khoảng 2.700 trường hợp.

“Quy mô xây không phép, trái phép như vậy thì có còn gọi là chỉnh trang đô thị nữa không?” – ông Nhân đặt vấn đề và đề nghị quản lý về xây dựng phải là một tiêu chí giám sát trong chương trình chỉnh trang đô thị từ năm 2019.

“Xây trước mặt mình 21 căn, mà hỏi không biết xây lúc nào. Hai tuần sau Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xuống, vẫn thấy xây trái phép tiếp như không có chuyện gì cả, không thể chấp nhận được” – ông Nhân nói và cho rằng, vấn đề quản lý đô thị hết sức nhức nhối, phải chấn chỉnh ngay.

Sốt đất đã đến… bụi tre làng của vùng đất Quảng Ngãi

Ngay ở những vùng quê tỉnh Quảng Ngãi, sau khi có tin đồn về quy hoạch, giá đất đã tăng gấp 2 – 3 lần. Thị trường bất động sản ở thôn Ân Phú, xã Tịnh An đang bất thường, trong khi nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị vẫn còn dang dở.

Theo ông Bùi Tỏi, Trưởng thôn Ân Phú, xã Tịnh An, ngày nào cũng có người hỏi mua đất, đông nhất vào dịp cuối tuần. Người mua chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc, thành phố Đà Nẵng… Giá đất ở thôn Ân Phú từ vài trăm triệu đồng một lô 100m2 nay tăng lên gấp 2 – 3 lần. Nhiều hộ trong thôn cũng đua nhau phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ông Bùi Tỏi cho hay, nhiều người thấy đất được giá vội bán, giờ tỏ ra tiếc nuối.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, cơn sốt đất đang lan rộng ra các dự án khu dân cư, khu đô thị ở thành phố Quảng Ngãi và các vùng lân cận. Giới bất động sản chủ yếu đầu cơ, găm hàng chờ cơ hội bán kiếm lời.

Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết: “Thị trường bất động sản ở thành phố hiện nay giao dịch rất sôi động. Hầu như mua rồi sang nhượng qua lại, dạng như để đầu cơ, chủ yếu là theo hướng như vậy. Thực tế, nếu đúng theo mục đích mua để làm nhà ở thì rất ít”.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, số doanh nghiệp xin đăng ký đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ngày càng tăng, nhất là các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Cả tỉnh hiện có 86 dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, với tổng diện tích đất đăng ký gần 1.300 ha. Đến nay, đã có 11 dự án cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, 25 dự án đang triển khai xây dựng và 50 dự án còn lại đang làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư…

Theo Quốc Trung/Thời báo chứng khoán