QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Diễn biến dịch COVID-19 mới nhất tại Việt Nam ngày 17/2

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Y tế ngành về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh…

Cập nhật tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam ngày 17/2:

Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 71.000 người (Nguồn Bộ Y tế)
Diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam (Nguồn Bộ Y tế).

Phó Thủ tướng giao 2 Bộ giải đáp thông tin COVID-19 ủ bệnh 24 ngày

Thời gian vừa qua, một số phương tiện truyền thông có đưa tin về việc người nhiễm COVID-19 (nCoV) có thể ủ bệnh tới 24 ngày, gây tâm lý lo ngại cho người dân.

Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương có giải đáp về nội dung nêu trên và sớm thông tin cho nhân dân biết.

Vĩnh Phúc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố (đơn vị) trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung, các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì kiểm tra việc điều trị cách ly cho các bệnh nhân tại BVĐK khu vực Phúc Yên. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Cụ thể, đề nghị các đơn vị tăng cường trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của người đứng đầu các đơn vị trong các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 tại địa bàn, đơn vị mình phụ trách; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh Vĩnh Phúc, các khuyến cáo của Bộ Y tế, Sở Y tế Vĩnh Phúc nhằm đạt hiệu quả tối đa trong công tác phòng chống dịch.

Tỉnh quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện các biện pháp phòng chống như: Phun thuốc khử trùng, sát khuẩn, đeo khẩu trang; hạn chế hội họp, tổ chức tập trung đông người, kiểm soát các trường hợp đến giao dịch, làm việc để xác định biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh theo đường dây nóng; phát ngôn cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh theo đúng thẩm quyền, quy định của tỉnh, đảm bảo tính chính xác.

Đối với người lao động cư trú tại địa bàn có dịch, thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm xem xét, bố trí phương thức làm việc phù hợp. Trường hợp cần thiết có thể tạm thời cho nghỉ việc trong thời gian dịch bệnh.

Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên chỉ đạo thực hiện cách ly vùng dịch tại xã Sơn Lôi; kiểm soát chặt việc giao tiếp, làm việc giữa các cán bộ công chức, viên chức, người lao động của xã Sơn Lôi đối với người đến từ các địa phương khác hoặc từ vùng không có dịch bệnh để tránh nguy cơ lây lan…

Trong ngày 16/2, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh, thành phố Phúc Yên và BVĐK khu vực Phúc Yên.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã yêu cầu tất cả các DN, đặc biệt là đối với các DN có người nước ngoài, người Trung Quốc làm việc thực hiện các biện pháp như phun thuốc khử trùng tiêu độc, lập các chốt tự kiểm tra thân nhiệt, cấp phát và yêu cầu 100% người lao động, khách hàng đến giao dịch đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi ra, vào xưởng, nhà máy làm việc.

Rà soát, phân loại, cách ly người có nguy cơ nhiễm bệnh, người trở về từ vùng dịch theo đúng quy định. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động thấy được tính chất, tình hình dịch bệnh để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống cho mình, người thân và cộng đồng…

WHO: Việt Nam đang xử lý dịch COVID-19 rất tốt

Theo thông tin mới nhất của WHO Việt Nam về “Dịch COVID-19: Những gì chúng ta đã biết đến nay”, WHO đánh giá cao năng lực Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp.

WHO cho biết: Năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi – bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ, v.v. – theo như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (IHR) (2005).

“Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp, và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và bây giờ là COVID-19”, WHO nhận định.

WHO ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch – tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.”

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh bởi dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới trong những ngày tới.

Tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Y tế ngành về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Công văn nêu rõ, để quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh trên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế, Y tế ngành nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát công tác tiếp nhận, phân loại người bệnh theo 3 nhóm trường hợp bệnh trên (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể, bệnh xác định), thu dung cách ly và quản lý chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế được phân công theo đúng quy định của các địa phương trên cơ sở hướng dẫn tại công văn số 519/BYT-KCB ngày 6/2/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV.

Các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc quản lý tất cả các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, có thể, xác định). Cơ sở y tế cần kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh. Tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế.

Theo Quốc Trung/Thời báo Chứng khoán

Nguồn: https://tbck.vn/dien-bien-dich-covid-19-moi-nhat-tai-viet-nam-ngay-172-59949.html