QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Diễn biến “lạ” về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sacombank (STB)

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB) đã lên tiếng liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhà băng này và yêu cầu các cơ quan quản lý thực hiện kiểm soát và quản lý room ngoại của cổ phiếu STB ở mức 23,63%, thay vì để tăng lên ngưỡng 30% như gần đây.

Thực hư room ngoại tại Sacombank

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB) mới đây đã có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và HOSE về vấn đề tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

Sacombank cho biết, ngày 12/11/2015, Ngân hàng này được VSD cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán với 400 triệu cổ phiếu phát hành do sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank.

Theo đó, vốn cổ phần của Sacombank từ hơn 1.485 triệu cổ phần trước khi sáp nhập đã tăng lên hơn 1.885 triệu cổ phần. Do phát sinh việc niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu trên, VSD đã ra thông báo: Kể từ ngày 19/9/2016, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là 23,63468% trên tổng số cổ phiếu niêm yết sau khi sáp nhập là hơn 1.885 triệu cổ phiếu.

Sacombank cho biết, từ ngày có thông báo nêu trên, ngân hàng này chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Tuy nhiên, theo thông tin về số liệu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài do VSD cung cấp, tại ngày 10/2/2023, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu gần 565,3 triệu cổ phiếu STB, chiếm 29,99% tổng số cổ phiếu niêm yết của Sacombank.

Sacombank đã đề nghị các cơ quan trên thực hiện kiểm soát và quản lý tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đúng thông báo ngày 19/09/2016 ở mức 23,63468%.

“Trong thời gian tới, tùy theo nhu cầu thực tế, Sacombank sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông để tăng tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm phù hợp và sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định”, văn bản của Sacombank cho biết thêm.

Theo trao đổi từ phía ngân hàng, nhà băng này đang đợi phản hồi từ phía Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và VSD về con số trên. Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại con số “room” ngoại của cổ phiếu STB là 23,6% hay 30% vẫn là một dấu chấm hỏi.

Trong trường hợp room ngoại vẫn giữ ở ngưỡng 23,6% như thông báo ngày 19/9/2016 của VSD thì việc điều chỉnh room ngoại từ ngưỡng xấp xỉ 30% hiện nay về 23,6% sẽ được xử lý ra sao cũng là một vấn đề.

Mức chênh lệch cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu giữa hai mức “room” này lên tới 120 triệu cổ phiếu.

Gần đây nhất, trong phiên giao dịch ngày 8/2, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua vào 1,6 triệu cổ phiếu STB nâng số cổ phiếu nắm giữ từ 112,8 triệu cổ phiếu (tương đương 5,984% vốn Sacombank) lên hơn 114,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,0689%).

Phiên giao dịch ngày 15/2, cổ phiếu STB tiếp tục chịu áp lực bán mạnh và giảm 4,3% xuống 23.350 đồng/cp. Khối lượng giao dịch của mã này cũng tăng gấp đôi lên 33,3 triệu đơn vị. Phần lớn áp lực bán này đến từ nhà đầu tư nước ngoài.

Biến động cổ phiếu STB thời gian qua

Sức hút của Sacombank đến từ đâu?

Giao dịch sôi động của khối ngoại và sự kín room ngoại tại cổ phiếu STB trong thời gian qua cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu ngân hàng này.

Sacombank là một trong những ngân hàng được đánh giá thành công trong quá trình tái cơ cấu hậu sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (tháng 5/2015). Nửa đầu năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu quan trọng trong đề án tái cơ cấu, xử lý xong 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được đưa về 1,27%.

Trong lần xuất hiện trở lại vào tháng 10/2022, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết: “Sacombank đã vực dậy vươn lên mạnh mẽ với tốc độ “thần kỳ”. Đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa”.

CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm cho rằng khoảng giữa năm 2023 ngân hàng có thể sẽ tuyên bố tái cơ cấu thành công. Sacombank cũng được nhiều công ty chứng khoán đánh giá đang trong đà hồi phục trở lại nhóm những ngân hàng top đầu.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng Sacombank sẽ hoàn thành đề án tái cấu trúc vào cuối năm 2023 nhờ vào việc bán các khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú và 32,5% cổ phần của STB được thế chấp làm tài sản thế chấp cho VAMC vào năm 2023.

VCSC tin rằng Sacombank sẽ có lợi nhuận tăng mạnh sau giai đoạn tái cấu trúc và hiện dự báo lợi nhuận sau thuế của ngân hàng sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 41,1% từ năm 2022 đến năm 2025.

Báo cáo phân tích của Chứng khoán SSI đánh giá trong những năm qua, Sacombank đã nâng cao chất lượng tài sản một cách ấn tượng và không cho vay trái phiếu doanh nghiệp cũng như chỉ duy trì dư nợ cho vay bất động sản ở mức thấp.

Nếu ngân hàng có thể duy trì hiệu quả hoạt động tốt từ quý III/2022 trở đi, STB có thể sớm gia nhập câu lạc bộ các ngân hàng thương mại top 1.

Các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng nhờ không còn phải trích lập dự phòng lãi dự thu, biên lãi thuần (NIM) của Sacombank ở mức 4,2 – 4,3%. Các khoảncho vay bán lẻ (đặc biệt là cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ) sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho Sacombank trong năm tới.

Việc xử lý hai nhóm tài sản lớn cũng là một trong những điểm nhấn được các chuyên gia phân tích lưu ý với Sacombank là nhóm cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC và Khu công nghiệp Phong Phú. Theo ước tính của SSI Research, giá trị của các tài sản này dao động trong khoảng 26.000 – 27.000 tỷ đồng, đủ để xử lý khoản tài sản có vấn đề còn lại.

Tổng giá trị khoản nợ gộp mà ngân hàng đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán là 16.196 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 5.100 tỷ đồng và lãi dự thu là 11.000 tỷ đồng. Sau nhiều vòng đấu giá, giá khởi điểm tính đến tháng 12/2022 giảm xuống còn gần 7.900 tỷ đồng, rất gần với số nợ gốc.

Tuy vậy, SSI cũng cho biết việc bán KCN Phong Phú đang gặp một số khó khăn như (1) Tính pháp lý chưa hoàn thiện: Chưa có quy hoạch, (2) Thời gian hoạt động của KCN chỉ còn 29 năm, ngắn hơn thời hạn của các dự án công nghiệp mới, điều này làm hạn chế thời gian thuê còn lại của nhà đầu tư thứ cấp; (3) Chi phí đầu tư cho dự án cao (nếu tính trên khoản nợ 5.134 tỷ đồng thì có thể lên tới 46,6 triệu đồng/m2 hay 1.950 USD/m2).

Vì vậy, việc bán khu công nghiệp này có thể cần thêm thời gian để tìm được nhà đầu tư phù hợp hoặc điều chỉnh xuống mức giá hấp dẫn hơn, nhất là khi nguồn vốn cho thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, các chuyên gia SSI cho rằng việc xử lý cổ phần của STB liên quan đến Trầm Bê dường như là tài sản khó xử lý nhất, để bán được số cổ phần này sẽ cần khoảng thời gian nhất định, do số lượng khá lớn cũng như việc này cần quy trình hướng dẫn cụ thể hơn hơn của NHNN để phê duyệt việc bán.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Sacombank đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm.

Hết năm 2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%.

Theo Hoàng Hà/Kinh tế chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/dien-bien-la-ve-ty-le-so-huu-nuoc-ngoai-tai-sacombank-stb-169803.html